Cân nhắc khi xây dựng quy định đạo đức giáo viên

Những ngày qua, dư luận xã hội rất quan tâm một cách không mong muốn với những nội dung liên quan đến “xin vía búp bê” từ clip của YouTube Thơ Nguyễn, rồi những hình ảnh chen chúc ở chùa Tam Chúc (Hà Nam).

Lại thêm cả những thông tin về thông tư mới của ngành giáo dục, trong đó có chia tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với giáo viên THCS theo ba hạng I, II và III, khiến dư luận quá đỗi băn khoăn.

Tìm hiểu thì thấy, đây là Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập, được ban hành dịp đầu tháng 2 năm nay. Nhưng có lẽ dịp đó người người, nhà nhà còn bận Tết nhất, cộng thêm tình hình dịch dã căng thẳng nên chưa kịp để ý! Nay tiếp tục năm học được ít ngày, thầy trò vào guồng rồi, dư luận mới tiếp tục “săn sóc” những thông tin phát ra từ ngành giáo dục vốn cũng gieo nhiều… nỗi niềm cho xã hội. 

Xem vào thì thấy có điều đáng băn khoăn là, bên cạnh các yếu tố “cứng” có thể định lượng được như nhiệm vụ, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ…, thì yếu tố “mềm” là đạo đức cũng được đưa vào tiêu chuẩn theo chia hạng. Và như vậy, tiêu chuẩn của hạng II bao gồm hạng III và “nhích” thêm một chút là: “luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo”; tiêu chuẩn của hạng I bao gồm hạng II và thêm: “là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo”.

Có lẽ một số nhà lãnh đạo ngành giáo dục, cũng như bộ phận chịu trách nhiệm soạn thảo, phê duyệt thông tư này, muốn đề cao tầm quan trọng của đạo đức nhà giáo trong quá trình công tác, phấn đấu của các thầy cô. Tuy nhiên, rất không nên phân hạng đạo đức, cũng như đưa ra tiêu chuẩn các hạng đạo đức nghề nghiệp để giáo viên thực hiện theo hoặc căn cứ vào đó mà phấn đấu. Việc này dễ gây phản cảm đối với chính những người đứng trên bục giảng khi thấy rằng đến đạo đức, sự nhiệt tình hay tâm huyết của mình cũng được phân cấp trong tập thể. Và chắc chắn, cách đánh giá đạo đức theo tiêu chuẩn đó cũng khó lòng áp dụng vào thực tế. Cách gọi: tiêu chuẩn đạo đức hạng I, II, III, trong thực tế công tác, giữa các đồng nghiệp, quả là hơi… khó nghe!

Nên điều chỉnh thông tư trên, cũng như điều chỉnh cả cách tư duy trong việc định hướng, soạn thảo các văn bản liên quan đến việc đánh giá, bình xét những người công tác trong ngành giáo dục và cả ngành nghề khác nữa. Nên chăng xây dựng nội dung quy định về đạo đức nghề nghiệp, có sự chú trọng đến những đặc thù của nghề, để áp dụng chung cho tất cả, là vừa phải, hợp lý.