Cần giảm áp lực cho học sinh

Từ Tết ra, không thấy bé Na đạp xe lòng vòng sân chơi sau buổi học như mọi khi. Hỏi mẹ cháu mới biết, Na đang “tối mắt, tối mũi” đến các lò luyện thi. Tháng 5, bé Na sẽ thi lên lớp 6!

Na có học lực khá nên bố mẹ cháu định hướng vào các trường chuyên, chất lượng cao cấp THCS của thành phố. Những trường này đếm trên đầu ngón tay và muốn vào đây, phải trải qua kỳ thi cam go, không kém gì thi vào các trường chuyên cấp THPT. Trong khi, thể chất và kỹ năng của các em cấp tiểu học vẫn còn quá non nớt.


Còn nhớ năm ngoái, giữa đợt nắng kỷ lục của Hà Nội, vào mùa tuyển sinh đầu cấp THCS, chứng kiến nhiều ông bố, bà mẹ vất vả tìm bóng cây râm mát ngoài các điểm thi để ngồi đợi con, nhiều người không khỏi chạnh lòng. Trong phòng thi, các học trò nhỏ cũng căng thẳng chả kém. Tỷ lệ chọi vào Trường THCS chất lượng cao Cầu Giấy là 1/20, khối cấp THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam xấp xỉ 1/30. Trường THCS Ngoại ngữ (Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) mới thành lập được hai năm nhưng tỷ lệ chọi cũng là 1/20. Một số trường dân lập có tiếng như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Archimedes, Marie Curie…, tỷ lệ chọi cũng tròm trèm 1/10.

Để tham gia cuộc đua này, với một số trường, các bé luôn phải cố gắng ngay từ khi vào lớp 1. Trường Ams đưa ra yêu cầu khắt khe, ở vòng sơ tuyển, các bé chỉ được ba điểm 9 trong các lần kiểm tra định kỳ cuối năm cấp tiểu học, còn lại phải đạt 10. Như vậy, mới bước vào lớp 1, chưa biết con có năng khiếu gì nổi trội, bố mẹ đã “ép” con vào cuộc đua điểm 9 - 10 để cấp THCS thi chuyên! Mỗi lần đi họp phụ huynh, các khẩu hiệu: Phấn đấu lớp phải đạt 90% học sinh giỏi, không có học sinh trung bình, dường như đã quá quen thuộc! 

Ở chặng nước rút, tức là lớp 4 - 5, nhiều bé còn phải học đến mấy lò luyện thi. Thông thường, các bé sẽ phải học thêm ba môn: Toán - Tiếng Việt - Tiếng Anh mà các trường cấp THCS yêu cầu thi. Mẹ bé Na nói: “Con em ra Tết của năm lớp 5 học là bị muộn! Nhiều bạn, học nhiều lắm rồi!”. Các mẹ rỉ tai nhau, thi cấp THCS Ams thì phải học Toán của thầy A, học Văn của cô B. Nếu thi Cầu Giấy thì học thầy V, cô H… Nhiều mẹ đăng ký cho con thi mấy trường, thế là cho con học mấy cặp thầy cô. Vậy là đứa bé quá tải. Buổi chiều, bố mẹ đón từ trường về bao giờ cũng tay nải “combo”: Bánh mì que - sữa hộp hay xúc xích - nước cam mang đến các lò luyện… Có cháu tâm sự: “Trong lớp, các bạn gái nói chuyện như ong vỡ tổ, còn các bạn trai nắm giấy kiểm tra để ném nhau!”. Âu cũng là chuyện thường tình, bởi lẽ, khi thời gian chơi của trẻ nhỏ bị đánh cắp, thì việc học lấy đâu ra hiệu quả!

Với kỳ thi vào cấp THCS, một số trường tổ chức thi tuyển để chọn lọc đầu vào. Có thi cử kèm theo đó là học thêm, gây áp lực cho các bé tiểu học nên đã có thời điểm Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố yêu cầu dừng thi và chỉ xét tuyển. Tuy nhiên, việc xét tuyển cũng bộc lộ nhiều áp lực không kém nên cách đây hai năm, kỳ thi này lại quay lại. Như vậy, việc giảm áp lực từ các kỳ thi cho học sinh tiểu học như chủ trương của Bộ và Sở xem ra vẫn còn loay hoay, chưa có lối thoát!

Khi trẻ vào lớp 1, trường nào cũng có khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui!”. Nhưng việc ép học, ép thành tích liệu có khiến học sinh được vui? Trong khi ở lứa tuổi này, các bé cần được chăm sóc thể chất thật tốt, rèn các kỹ năng sống và tham gia các hoạt động ngoại khóa chứ không phải gánh áp lực học hành đến kiệt sức.