An toàn trên không gian mạng, bao giờ?

Phẫn nộ! Đó là thái độ của nhiều người, trong đó có không ít phụ huynh khi xem clip “xin vía học giỏi” từ búp bê của Thơ Nguyễn trên mạng xã hội.

Cần nói ngay rằng, kênh Thơ Nguyễn được khởi tạo từ tháng 3-2016 trên YouTube, đến nay có sự theo dõi của hơn 8,7 triệu lượt người, hướng đến đối tượng là trẻ em. Thống kê cho thấy kênh YouTube này có 6,3 tỷ lượt xem video từ 1.199 video được đăng tải. Tại Việt Nam, kênh Thơ Nguyễn đang được xếp thứ 7 về kênh YouTube có nhiều người theo dõi nhất. Vì thế, không lạ, mỗi clip Thơ Nguyễn đăng lên đều được rất nhiều người quan tâm, trong đó phần lớn là thanh, thiếu nhi.

Trở lại với clip “xin vía học giỏi” đang khiến cộng đồng phẫn nộ. Mặc dù ngay sau đó, Thơ Nguyễn đã vội vàng có lời giải thích và chính thức xin lỗi đăng trên kênh YouTube và Facebook, đồng thời cô này cũng thông báo sẽ “tạm dừng một thời gian để tự kiểm điểm và nhìn nhận lại sự việc”, thế nhưng nhiều phụ huynh vẫn cảm thấy bất an về một thế giới mạng xã hội vẫn còn nhiều khoảng trống trong việc kiểm tra, giám sát. Mặc dù các quy định về thông tin trên môi trường số có vẻ đầy đủ, song thực tế lại đang cho thấy những lỗ hổng. Bởi bây giờ, bất cứ ai cũng có thể lập một hoặc nhiều tài khoản trên mạng xã hội và có thể đưa lên bất cứ clip nào. Đã có nhiều người giàu lên về việc lập các kênh riêng trên YouTube, TikTok… Đã có người bỏ hẳn việc làm ổn định ở cơ quan để về đầu tư thời gian, tâm trí làm các clip câu view nhằm đáp ứng sự tò mò của công chúng… Và trên mạng xã hội, như YouTube chẳng hạn, không thiếu những kênh nhảm nhí, với nội dung chứa nhiều thông tin tầm phào, xuyên tạc, bôi nhọ, câu khách được “ngụy trang” một cách khéo léo để khiến một số người tin vào đó như là sự thật.

Thơ Nguyễn và clip “búp bê bùa ngải” đang xôn xao dư luận chỉ là một trong rất nhiều những clip cần phải được bóc gỡ trên các nền tảng trực tuyến và xử lý triệt để. Bản thân kênh của Thơ Nguyễn cũng chứa đựng nhiều clip có nội dung tào lao, nhảm nhí nhưng thời gian qua nhiều học sinh vẫn theo dõi, như một thói quen. Bên cạnh đó, một số phụ huynh cũng phát hiện nhiều nội dung quảng cáo không phù hợp độ tuổi các em như chữa vô sinh, sinh lý yếu… được chèn vô tội vạ vào những bài hát, các bộ phim hoạt hình yêu thích của trẻ em. Cha mẹ bức xúc nhưng không tìm ra cách cấm cản được con em mình. Clip “búp bê bùa ngải” lần này như “giọt nước tràn ly”. Và nhiều người mong muốn các cơ quan chức năng cùng vào cuộc quyết liệt, để dọn sạch những nội dung phản cảm trên môi trường mạng…

Trên thực tế, các mạng xã hội nổi tiếng như YouTube đều có những quy định riêng, do nước ngoài quản lý, do đó việc dọn sạch những nội dung phản cảm, vi phạm đạo đức, văn hóa sẽ cần rất nhiều thời gian và sự hợp tác của đơn vị quản lý. Trong khi theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em là đối tượng dễ bị xâm hại trên mạng xã hội. Vậy thì, bên cạnh sự vào cuộc thường xuyên của cơ quan chức năng, vẫn rất cần sự đồng hành của người lớn. Không nên “thả cửa” cho con với chiếc iPad, hay chiếc tivi có kết nối internet, bởi không gian đó tiềm ẩn nhiều điều nguy hiểm và có thể làm ảnh hưởng, méo mó tâm hồn trẻ nhỏ!