Ứng dụng ghép đôi để học

Lấy cảm hứng từ dịch vụ hẹn hò trực tuyến nổi tiếng Tinder, ứng dụng (app) học thuật IELTS Tinder ra đời nhằm giúp người dùng tìm được một cộng đồng hay bạn đồng hành phù hợp trên con đường chinh phục tiếng Anh. Sự phát triển của dự án này còn là hành trình trải nghiệm ý nghĩa với các bạn sinh viên trên con đường khởi nghiệp.

Vũ Thùy Trang (đứng) cùng với nhóm khởi nghiệp IELTS Tinder.
Vũ Thùy Trang (đứng) cùng với nhóm khởi nghiệp IELTS Tinder.

App “hẹn hò” luyện IELTS

Ý tưởng xây dựng app luyện kỹ năng mang tên IELTS Tinder đến với Vũ Thùy Trang, sinh viên Trường đại học (ĐH) Quốc tế, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh khá tình cờ. Bạn chia sẻ, vào tháng 3-2020, Trang thấy nhiều bạn trẻ lên các nhóm ôn luyện trên Facebook để tìm bạn cùng học. Là người từng vất vả tự luyện IELTS, cũng nghiên cứu kỹ về IELTS để phục vụ học tập cũng như làm thêm, nên Trang nhận ra việc tìm người học cùng sẽ tốn công và mất nhiều thời gian hơn là hiệu quả. Trong khi đó, phần thi nói vẫn được xem là khó khăn nhất với phần lớn thí sinh Việt Nam trong kỳ thi IELTS. Nếu cứ lên mạng để tìm người ôn tiếng Anh học thuật thì xác suất tìm người có cùng trình độ và mục tiêu không cao. Nhiều trung tâm ôn luyện hay ứng dụng học trực tuyến duy trì hình thức luyện nói giữa giáo viên với học sinh, nhưng mức học phí khá cao và phụ thuộc lịch học nên sẽ hạn chế người luyện hơn. 

Từ góc nhìn của người trẻ, Trang nảy sinh thắc mắc rằng, trong khi có rất nhiều app ra đời nhằm mục đích ghép đôi hẹn hò, vậy tại sao lại không có ai làm “ông mai bà mối” cho những người cùng mục tiêu học tập? Lấy cảm hứng từ ứng dụng Tinder nổi tiếng, Trang đã tập hợp các bạn thân là sinh viên của Trường ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) để cùng nhau lên ý tưởng cho hoạt động ghép đôi luyện thi, với trọng tâm là kỹ năng nói. 

IELTS Tinder được thiết kế với nhiều tính năng, trong đó việc ghép đôi (matching) là quan trọng nhất. Người dùng có thể “quẹt trái/quẹt phải” những người bạn có sử dụng ứng dụng, chọn lọc theo những tiêu chí như giới tính, độ tuổi, trình độ học, thế mạnh để cùng luyện nói với bản thân. Ngoài ra, app còn có các tính năng để chia sẻ kiến thức về các kỳ thi IELTS, luyện tập ngữ điệu, đăng bài nói của mình, kiểm tra mỗi tháng một lần và phản hồi từ huấn luyện viên… giúp người dùng tiết kiệm khoản chi phí ôn thi, thời gian đi lại học tập... 

Khởi nghiệp không chỉ có giải thưởng

Trước khi bắt tay vào thực hiện dự án, nhóm đã tiến hành hai đợt khảo sát với mỗi đợt là 200 và 500 sinh viên, học sinh ngẫu nhiên để đánh giá thị trường. Bạn Đoàn Văn Thanh Liêm, một thành viên của nhóm cho biết, hơn 86% số ý kiến được hỏi đồng tình và sẵn sàng sử dụng ứng dụng IELTS Tinder nên nhóm đã tin tưởng vào ý tưởng khởi nghiệp của mình.

Như nhiều dự án khởi nghiệp, các thành viên sáng lập IELTS Tinder cũng có nhiều đêm mất ngủ để hoàn thiện ý tưởng, tranh tài tại các cuộc thi, gọi vốn, tìm nhà đầu tư và tuyển thành viên. Thành tích đầu tiên sau khi hoàn thiện sản phẩm là Giải nhất cuộc thi “Sinh viên với sở hữu trí tuệ” vào tháng 9-2020. Sau đó, nhóm cũng được chọn để thi vòng chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuối năm 2020.

Thùy Trang chia sẻ: “Mọi người thường nói “mỗi lần vấp ngã là một lần bớt dại”, còn với chúng mình, mỗi lần nhận giải mới là một lần trưởng thành. Từ sự góp ý của chuyên gia, nhóm lại dỡ ý tưởng ra viết lại hoặc bổ sung. Rất nhiều vấn đề mà sinh viên chưa thể lường được đã được bổ sung để hoàn thiện hơn”.

Theo kế hoạch, ngày 1-5 tới, nhóm sẽ phát hành bản thử nghiệm của ứng dụng, hướng tới phân khúc khách hàng là học sinh, sinh viên và người đi làm… có ý định thi IELTS. Khi tự tin với ý tưởng của mình, nhóm đã đăng ký nhãn hiệu và quyền sở hữu trí tuệ. Để phù hợp các tiêu chí pháp lý, nhóm đã đổi tên ứng dụng từ IELTS Tinder thành Alo IELTS nhưng tinh thần “ghép đôi hẹn hò” vẫn không hề thay đổi.

“Cuộc thi và cuộc sống có sự khác biệt rất lớn. Thành công trong các cuộc thi không đánh đồng với sự thành công trên thị trường. Tuy nhiên, với giá cả hợp lý và các tính năng thân thiện người dùng, tôi hoàn toàn tin rằng dự án sẽ “sống” được khi đưa ra thị trường nếu nhóm may mắn có được nhà đầu tư hay những người dẫn dắt một cách bài bản”, Thùy Trang tự tin nói.