Để người trẻ ham đọc sách

Một người dân đọc một cuốn sách/năm là số liệu thống kê về thói quen đọc sách của người Việt. Tại buổi tọa đàm “Làm gì để tạo thói quen đọc sách” tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia lo rằng, nếu không sớm cải thiện tình hình, văn hóa đọc của chúng ta sẽ ngày càng tụt dốc.

Phải tạo được sức hút từ những đầu sách thú vị, phù hợp từng độ tuổi. Ảnh: HẢI NAM
Phải tạo được sức hút từ những đầu sách thú vị, phù hợp từng độ tuổi. Ảnh: HẢI NAM

Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới. Theo số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam trong ba năm gần đây, bình quân mỗi năm nước ta xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách, trong đó có tới 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình, tham khảo phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của học sinh, sinh viên (80%). Như vậy, khoảng 100 triệu bản sách còn lại nếu chia trên tổng dân số 90 triệu người, mỗi năm, một người dân chỉ đọc tầm một cuốn sách - một con số đáng suy nghĩ, nếu không nói là quan ngại.

Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, sở dĩ văn hóa đọc của người Việt thấp là do chúng ta không chịu khó hình thành thói quen đọc ngay từ nhỏ. Tại các quốc gia phát triển, bất cứ nơi nào, từ nhà chờ xe buýt đến ga tàu điện, từ quán nước đến công viên đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân nhiều độ tuổi tranh thủ đọc sách. Ở nước ta rất hiếm hình ảnh đẹp này. Năm 2004, Bộ Chính trị có chỉ thị 42 yêu cầu ngành xuất bản phấn đấu đến năm 2010 đạt chỉ tiêu sáu bản sách/người/năm. Thế nhưng, gần 10 năm qua chúng ta vẫn “bất động” với con số bốn cuốn sách/người/năm kể cả giáo khoa, giáo trình. Trong khi đó, Malaysia từ một quốc gia chỉ đạt hai bản sách/người/năm ở năm 2002, đến năm 2012 họ đã đạt con số ấn tượng: 12 bản sách/người/năm và đang tiếp tục tăng lên.

Việt Nam không thiếu thư viện từ công cộng đến trường học, sách cũng đa dạng, thế nhưng tại sao không thu hút được độc giả, nhất là người trẻ. Số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho thấy: tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng thư viện công cộng rất thấp, chỉ 0,057 dân số, tương đương khoảng 564.000 người/90 triệu dân. Nếu so với mục tiêu phấn đấu 85% người dân (trong đó 90% là học sinh, sinh viên) sử dụng thư viện theo đề án mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15-3-2019, độ vênh là vô cùng lớn. “Mỗi ngày trung bình những người trẻ dành đến hai giờ đồng hồ để lướt Facebook, còn truyền hình liên tục phát game show nhưng lại rất hiếm những chương trình giới thiệu sách hay, sách nên đọc để họ chọn lựa. Không có thông tin, không được tạo môi trường tốt để hứng thú đọc sách, người trẻ “lơ” sách là điều dễ hiểu”, PGS, TS Nguyễn Kim Hồng, Tổng Biên tập NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh giải thích.

Theo các chuyên gia, bước đầu tiên cần làm là phải tạo được sức hút từ những đầu sách thú vị phù hợp từng độ tuổi. “Dúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ 14, 15 tuổi trước nay chưa từng được nghe chuyện, chưa từng sờ tới sách, suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả là một việc quá muộn màng”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.

Ths Lê Thị Liên, Công ty CP giáo dục Thành Thành Công cho rằng, muốn trẻ yêu sách thì hệ thống thư viện tại các cơ sở giáo dục phải thay đổi triệt để chứ không thể cứ sơ sài như hiện nay. “Hệ thống thư viện trong trường học của chúng ta hiện nay chưa làm tốt điều này mặc dù chúng ta tốn rất nhiều chi phí cho việc mua sắm sách. Sách không phù hợp, không tạo được môi trường để kích thích trẻ đọc thì thư viện đó không hiệu quả”, bà Liên phân tích.

Chưa dừng lại ở đó, ông Lê Hoàng cho rằng, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần sớm nghiên cứu để đưa giờ đọc sách thành tiết học chính khóa trong chương trình phổ thông. Môn Thư viện, môn Văn hóa đọc cần được thành hình trong thời gian sớm nhất có thể vì các nước trong khu vực đã làm điều này từ rất lâu: “Chúng tôi đi khảo sát nhiều trường học và cảm thấy vui khi nhiều trường đã tự thiết kế giờ đọc sách cho học sinh trong trường. Thế nhưng, đó là những trường chấp nhận “xé rào” và thật sự tâm huyết, số này không đủ để tạo được thói quen đọc sách cho cộng đồng. Tại các quốc gia phát triển, tiết đọc sách là giờ học bắt buộc và vận hành rất bài bản trong khi chúng ta chưa hề có điều này. Theo tôi phải bổ sung để giúp trẻ có môi trường tiếp cận với sách từ sớm”.