Ngư dân thắc thỏm vì nợ

Sự bất thường của thiên tai liên tục ập đến cùng với giá nhiên liệu tăng cao, một số chủ tàu, bè ở miền trung một thời là triệu phú giờ quay cuồng trong nợ nần. Có làng chài đang tấp nập bỗng đìu hiu. Không được tiếp sức kịp thời, lượng ngư dân vươn khơi bám biển có khả năng giảm mạnh.

Nợ nần chồng chất, nhiều tàu, thuyền nằm bờ.
Nợ nần chồng chất, nhiều tàu, thuyền nằm bờ.

Đại gia cũng thành... chúa chổm

Nhìn sấp giấy tờ thông báo, đôn đốc trả nợ của các ngân hàng, tổ chức tài chính gửi đến, ông Trần Ngọc Đông (Hòn Rớ, Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa) thẫn thờ.

Một thời được mệnh danh là đại gia xóm chài nhưng giờ ngước về phía những chiếc tàu công suất lớn nằm trơ trọi trong lớp sương mù mỏng manh sau cơn mưa cuối mùa, ông Đông buồn tiếc: Mấy năm trước, hầu như bão tố không đến với Khánh Hòa, vươn khơi chuyến nào thắng lợi chuyến ấy nên ngư dân phấn khởi đi vay tiền đóng tàu công suất 900 mã lực trở lên. Vậy nhưng, hai năm trở lại đây bão lũ liên tục, tàu toàn nằm bờ. Vươn khơi thì chuyến được, chuyến thất bát, không đủ tiền dầu. Đến nay, nợ xấu đã gần 10 tỷ đồng, nếu bị kiện, bị siết nợ thì hàng chục thuyền viên của tôi cũng đói.

Kề nhà ông Đông, vài chục chủ tàu khác cũng trĩu nặng ưu tư với các khoản nợ đang thúc giục từng ngày nhưng chưa biết xoay đâu ra tiền để trả. Tất cả dồn hy vọng vào những chuyến vươn khơi đầu năm 2020 (khi hết mùa bão, gió ở Khánh Hòa). Ngư dân Huỳnh Hậu thấp thỏm: Trước đây qua 23-10 âm lịch là hết mưa to, sóng mạnh nhưng nay có khi tháng 11, sóng vẫn dữ dội, mưa tuôn ầm ào gây nhiều khó khăn cho việc đánh bắt xa khơi.

Hai thuyền trưởng Võ Ngọc Trang và Dương Cao Hoan ở Phước Đồng, mỗi người cũng nợ xấu gần 10 tỷ đồng. Ông Hoan buồn rầu: Vài chục thuyền viên, bạn thuyền vươn khơi cùng mình mà bão lũ năm nào cũng cứ ập đến thế này thì tất cả đều thất thu. Giờ chỉ đủ lo cầm cự, sao mà trả nợ được. Lãi nọ đẻ thêm lãi kia, rất nan giải. Tết nay, tôm, cá để dùng còn không đủ chứ đừng nói đến mua bán. Hàng trăm ngư dân khác ở các làng chài ở Cam Ranh, Vạn Ninh… cũng lâm cảnh tương tự.

Ngày vàng son dần xa vắng, bà Nguyễn Thị Mỹ Rơi (tổ 9, thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh, Khánh Hòa) chua xót: Bão lụt đã khiến chồng mất, con bị thương nặng. Hàng chục lồng bè đang đến kỳ thu hoạch bị sóng biển đánh tan nát. Thiên tai làm mất người thân, mất của, bà Rơi chỉ còn lại nỗi lo lớn là món nợ 1,8 tỷ đồng của Agribank chi nhánh huyện Vạn Ninh. Hàng chục ngư dân, chủ lồng bè khác cũng chung cảnh ngộ như vậy.

Hai làng chài nổi tiếng miền trung là Nghĩa An và Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cũng tiêu điều vì “nợ”. Thuyền trưởng Trương Hoài Phong ở làng chài Nghĩa An lo lắng: Hai năm nay, bão lũ nhiều. Thất bát liên tục. Đã trót đặt thợ thiết kế và đóng tàu lớn nên phải vay hàng tỷ đồng ngân hàng vẫn không đủ. Để lo tiền trả lãi phải vay thêm “tín dụng đen”, giờ nợ nần bủa vây. Cả thuyền trưởng lẫn các bạn thuyền chỉ “thoi thóp”. Có bạn thuyền đi làm chung mấy tháng nhưng vẫn chưa được trả thù lao.

Để có tàu công suất lớn vươn khơi xa, thuyền trưởng Võ Sinh ở Nghĩa An vay ngân hàng hơn 500 triệu đồng. Không có tiền trả đúng kỳ hạn, bốn chuyến ra khơi lại đều thất bát, mấy tháng mưa bão phải nằm bờ. Sợ ngân hàng siết nhà, anh Sinh vay thêm “tín dụng đen”, giờ rơi vào tình trạng điêu đứng, chỉ cầm cự qua ngày. Anh Sinh cho biết: Ở hai làng chài này có hàng nghìn tàu thuyền nằm bờ. Hàng trăm chủ tàu đều dính nợ chồng chất. Đánh bắt gần bờ thì không hiệu quả và phù hợp với tàu lớn.

Tính đến cuối năm 2019, theo thống kê, ngư dân xã Nghĩa An đã vay hơn 1.000 tỷ đồng từ ngân hàng để đầu tư khai thác thủy sản. Chủ tàu Trần Thanh lo lắng: Các bạn thuyền, bạn đi biển mình nợ ít thì không sao. Các khoản nợ ngân hàng cứ tăng nhanh, họ đòi khởi kiện, chúng tôi cũng phải chịu chứ không biết gỡ khó bằng cách nào. Làm thêm đủ thứ việc khác thì cũng để chèo chống trước mắt thôi.

Cần được gỡ khó

Các tỉnh Nam Trung Bộ, đặc biệt là Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi đã có đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Nguồn lợi thủy sản từ các tỉnh này còn phân bổ đi khắp nước và nghề nuôi trồng thủy sản là nghề chính của hàng vạn ngư dân suốt bao đời nay. Vậy nên, để người dân an tâm tiếp tục bám biển, nuôi trồng, các cấp chính quyền cần sớm có giải pháp trước thực trạng này, nhằm từng bước giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn.

Gia đình ông Nguyễn Xuân Tân (thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh) khẳng định: Tôi cùng cả họ hàng và gần một nửa người dân Vạn Giã bao đời nay vẫn chung thủy với nghề bám biển để nuôi trồng thủy sản nên không thể chuyển đổi nghề khác. Giờ chỉ mong được khoanh nợ. Chỉ có khoanh nợ ba - năm năm, ngân hàng không tính lãi, không thúc giục thì người dân bị thiệt hại nặng mới đủ sức gượng dậy để trả nợ dần. Theo Agribank Tuy Hòa (Phú Yên), hiện ngân hàng vẫn đã và đang tiến hành cơ cấu lại các món nợ vay với nhiều ngư dân bị thiệt hại nặng do thiên tai để họ tiếp tục củng cố cuộc sống. Một số món nợ cũng được giãn ra.

Ông Lê Văn Tùng và nhiều thuyền trưởng, chủ tàu ở Nghĩa An, Nghĩa Phú cũng hy vọng chỉ có Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống các ngân hàng tiếp sức cho ngư dân bằng cách cho khoanh nợ, kéo dài thời gian trả nợ thì may ra mới có thể duy trì nghề truyền thống được.

Chủ tàu Lê Minh Hậu ở Phước Đồng (Nha Trang, Khánh Hòa) chia sẻ thêm: Các tàu công suất lớn ngoài việc thế chấp chính chiếc tàu đó thì ngư dân còn thế chấp thêm một số tài sản khác như: Sổ đỏ, nhà đất… để có thêm vốn trang bị ngư cụ, phương tiện bảo quản sản phẩm cho các chuyến vươn khơi xa. Thế nên, tàu vươn khơi không thuận tiện, ngân hàng vẫn có quyền đòi nhà của người dân.

Liên quan đến vấn đề nợ nần của các ngư dân, chủ tàu, cuối tháng 11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng đã có cuộc chủ trì làm việc với các chi nhánh ngân hàng đóng chân trên địa bàn tỉnh này. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa cho thấy, vấn đề nan giải nhất đó chính là khoanh nợ cho người vay vốn bị thiệt hại do cơn bão, lũ, đặc biệt là bão số 12. Đến nay, riêng số tiền vay đóng tàu công suất lớn đã phát sinh nợ xấu gần 103 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa đã tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị lên các cơ quan chức năng cho khoanh nợ gần 69 tỷ đồng. Tuy nhiên, đề nghị này vẫn đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nợ xấu tăng dần, các nhân viên tín dụng đến tận nhà nên ông Trần Mẫn và một số chủ tàu ở Nghĩa An còn phải đóng cửa im ỉm cả ngày lẫn đêm. Ông Mẫn bảo: Không ai muốn chây ỳ ra cả nhưng điều kiện khách quan nó ập đến thế thì mình tránh làm sao được, chỉ mong các tổ chức tài chính, tín dụng hiểu, cảm thông.