Đứng dậy sau “bão”

Kỳ 3: “Domino” kéo dài

Nhiều hàng quán tại TP Hạ Long cửa đóng, then cài do ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19.
Nhiều hàng quán tại TP Hạ Long cửa đóng, then cài do ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19.

Thường vào dịp cuối năm, các cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long, Tuần Châu (Quảng Ninh) luôn đông nghịt khách quốc tế. Trung bình, mỗi ngày đón khoảng hai vạn khách, ngày cao điểm lên tới hơn ba vạn, nhưng từ trung tuần tháng 8 đến nay, mỗi ngày, hơn 500 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long chỉ đón được vài chục khách là đã thấy “hên” rồi.

Lượng khách giảm đáng kể

Dịch Covid-19 đã tác động lớn đến doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh khối ngành du lịch, dịch vụ như kinh doanh khách sạn lưu trú, kinh doanh tàu thuyền vận chuyển khách tham quan vịnh Hạ Long. Đặc biệt, toàn tỉnh có 126 doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch đã gửi đơn xin tạm dừng hoạt động, DN kinh doanh lưu trú chỉ duy trì công suất phòng từ 3 - 10% đã ảnh hưởng việc làm, đời sống của gần 10 nghìn lao động.

Anh Nguyễn Văn Hải, chủ một DN vận tải du lịch Hạ Long chia sẻ: Sau đợt dịch lần đầu, nhiều DN dịch vụ lưu trú tàu thuyền vẫn cố gắng cầm cự được, nhưng sau khi đợt dịch lần hai tái phát tại một số tỉnh, thành phố thì đây như “cú đấm bồi” gây choáng váng tới tất cả các đơn vị kinh doanh du lịch. Điều này đã gây tác động mạnh tới tâm lý đi du lịch, dẫn đến việc cắt, hủy, hoãn các chương trình du lịch đến Quảng Ninh. Khi hủy các chương trình du lịch vì lý do khách quan (thiên tai, dịch bệnh, trường hợp bất khả kháng), phần lớn du khách sẽ yêu cầu công ty lữ hành hoàn 100% kinh phí đã đặt với công ty lữ hành và một số đoàn sẽ điều chỉnh chương trình vào thời gian phù hợp.

Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh, việc thiếu các đoàn lữ hành quốc tế, đặc biệt là đón khách Trung Quốc chịu tác động rất lớn, song đã suy giảm mạnh đến 90%. Không chỉ tour đến và đi Trung Quốc, nhiều tour du lịch quốc tế đều đã hoãn, hủy. Các khu vui chơi, dịch vụ nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh hoạt động với công suất chỉ trên dưới 5%. Tại các khu vui chơi lớn như Sunworld, Tuần Châu… lượng khách suy giảm mạnh, nhiều dịch vụ phải đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Không chỉ mất đi một lượng lớn khách Trung Quốc mà khách Hàn Quốc cũng hầu như vắng bóng kể từ khi Hàn Quốc trở thành nước đứng thứ hai châu Á về số người mắc dịch Covid-19. Ở thời điểm hiện tại, lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, có ngày chỉ còn 20 - 30%. Thêm vào đó, việc cửa khẩu quốc tế Móng Cái tạm dừng đón khách, các công ty lữ hành tuân thủ không đưa đón khách từ vùng có dịch, nhiều quốc gia khuyến cáo công dân hạn chế đi lại… khiến lượng khách đến Quảng Ninh cũng giảm theo.

Theo thống kê, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2020 ước đạt 8,8 triệu lượt, giảm 37% so năm trước. Trong đó, khách quốc tế đạt 536 nghìn lượt, giảm 90,7%; khách nội địa ước đạt hơn 8,3 triệu lượt, tăng 0,6% so năm 2019. Tổng thu từ du lịch ước đạt 17 nghìn tỷ đồng, giảm 42% so cùng kỳ; thu ngân sách từ dịch vụ, du lịch ước đạt 2.200 tỷ đồng, chiếm 6% tổng thu ngân sách nội địa. Năm 2021, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 kéo dài. Điều này tác động trực tiếp hoạt động du lịch, đặc biệt là thị trường khách quốc tế. Vì thế, ngành du lịch phấn đấu tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2021 ước đạt 10 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt 20 nghìn tỷ đồng.

Tàu du lịch nằm bờ

Hiện nay, việc kinh doanh tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long chủ yếu phục vụ khách quốc tế chiếm 92% tổng lượng khách, còn lại 8% là khách nội địa trong nước. Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, những tháng qua, lượng khách quốc tế không có, lượng khách nội địa không nhiều nên nhìn chung khách lưu trú trên vịnh Hạ Long giảm mạnh. Mặc dù Quảng Ninh mở cửa du lịch trở lại từ 1-5, song suốt thời gian qua, hầu hết các tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long hoạt động cầm chừng. Từ tháng 9 đến cuối năm là mùa du lịch thấp điểm nên mỗi tuần chỉ chạy một chuyến vào ngày cuối tuần. Công suất khai thác tàu chỉ đạt 10%.

Những ngày này, đến Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long (đều thuộc TP Hạ Long, Quảng Ninh), ai cũng dễ dàng nhận ra hai khung cảnh khá trái ngược: ở khu vực tàu du lịch đón tham quan trong ngày thì khách khá tấp nập, nhưng ở khu vực tàu lưu trú, nghỉ đêm lại đìu hiu. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, hệ thống tàu nghỉ đêm và tàu dịch vụ cả trăm tỷ đồng của anh Bùi Đức Long, chủ hãng du thuyền Sealife Cruises Ha Long Bay phải nằm bờ. Chỉ tính riêng việc trả lương cho nhân viên và lãi ngân hàng, mỗi ngày, chủ hãng du thuyền này phải trả lãi mất hàng chục triệu đồng. “Dịch vụ tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long thường đón khách nước ngoài là chủ yếu. Nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19, khách quốc tế không được nhập cảnh nên các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn”, anh chia sẻ.

Khách giảm mạnh, các hãng tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh đã chủ động giảm sâu giá dịch vụ, cá biệt giảm tới 70%, với chi phí chỉ còn khoảng hai triệu đồng/người cho một hành trình nghỉ dưỡng trọn gói hai ngày, một đêm trên vịnh Hạ Long. Chi phí này bao gồm cả tiền vé thu phí vào các điểm tham quan lưu trú trên vịnh từ 500 nghìn - 550 nghìn  đồng/người/đêm (tùy theo tuyến). Với mức phí tham quan này, doanh thu từ mỗi khách doanh nghiệp thu về không nhiều, chỉ đủ bù đắp một phần chi phí trả lương nhân viên, khiến các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch nghỉ đêm gặp nhiều khó khăn, đối mặt nguy cơ giải thể, phá sản cao.

Anh Lương Đức Huyên, từng là Thuyền trưởng Đội tàu du lịch Bài Thơ cho biết, khi chưa có dịch, cuộc sống cũng tạm ổn, lương cho người lao động từ 10 - 11 triệu đồng/tháng. Khi dịch tái bùng phát, không có khách, tàu nằm ở bến phải trả tiền neo đậu, bến bãi trong khi vẫn phải thực hiện việc chăm sóc máy móc, ba tháng sơn tàu/lần, trung bình hết 30 triệu đồng/tàu. Bây giờ, không có khách, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày không bảo đảm, tàu nào cũng phải cắt giảm nhân sự, ngừng hoạt động chờ dịch đi qua rồi tính tiếp. Hiện tại, phần lớn các công ty đều bố trí mỗi lao động luân phiên nhau làm khoảng năm công/tháng để duy trì đóng bảo hiểm xã hội.

90% lượng nhân công bị cắt, giảm

Cùng với các chủ tàu du lịch, các DN lữ hành, khách sạn cũng gặp không ít khó khăn. Bởi ngoài kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long, các DN cung cấp dịch vụ nhà hàng, xe điện, trải nghiệm làng quê, vận chuyển khách Hạ Long - Hà Nội, lữ hành… cũng bị ảnh hưởng nặng. Nhiều công ty phải giảm đến 90% số lượng cán bộ, nhân viên, chỉ đủ khả năng duy trì một số lượng nhân lực nhất định để thực hiện công việc văn phòng, xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến, bảo dưỡng cơ sở vật chất, tàu thuyền…

Kể từ ngày dịch bùng phát, anh Hoàng Tuấn Anh (trú tại phường Cao Thắng, TP Hạ Long) bắt buộc phải nghỉ việc ở nhà. Làm nghề hướng dẫn viên du lịch đến nay đã hơn 10 năm, chưa bao giờ anh thấy khó khăn như hiện tại. Thời gian rảnh rỗi nên từ sáng đến tối, anh loanh quanh luẩn quẩn từ nhà ra quán nước chè đầu ngõ, xem đánh cờ, tán chuyện dóc với các cụ già, rồi chờ tới giờ đưa đón con đi học. Cuộc sống tạm thời cứ trôi mông lung như vậy đã gần một năm nay. Vợ anh Tuấn Anh làm nhân viên lễ tân ở khách sạn. Kinh doanh thất thu, khách sạn bắt buộc cắt giảm nhân sự. Hai vợ chồng đều nghỉ việc, nhận trợ cấp thất nghiệp khoảng 1,9 triệu đồng/tháng trong chín tháng. Khó khăn bắt đầu dồn đến cùng lúc khi bố anh nằm viện. Mọi trang trải chi phí gia đình đều dựa vào khoản tích cóp ít ỏi trước đó của hai vợ chồng nên không đủ, phải vay mượn khắp nơi. Gần đây, vợ anh có nhận thêm mặt hàng quần áo về bán online nhưng việc kinh doanh cũng không dễ dàng. Thỉnh thoảng anh chạy xe ôm phụ chị ship ít hàng, kiếm đồng ra đồng vào. Năm học mới bắt đầu, ngày đi họp phụ huynh cho hai đứa con là bao khoản chi phí phải đóng. “Bây giờ chỉ mong dịch bệnh mau qua đi, còn có thể đi kiếm cái bỏ vào miệng, chứ tình hình cứ kéo dài thế này mãi thì…”, anh lắc đầu ngán ngẩm.

Còn nhớ vài năm trước, khi TP Hạ Long chuyển mình thức dậy với sự đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, ngành du lịch hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích có thể đổi thay cuộc sống của không ít người. Ở thời điểm đó, nơi đây không thiếu việc nên rất nhiều người nghèo quanh các vùng lân cận nườm nượp kéo về Hạ Long. Họ có thể làm đủ các nghề, từ công nhân, cửu vạn, xe ôm, lái taxi cho đến làm thuê, bán hàng thuê, chở hàng, phụ hồ, quét rác, phụ công trình xây dựng… với thu nhập khá ổn định. Vậy mà chỉ trong vài tháng, dịch Covid-19 đã biến một thành phố du lịch tươi đẹp, mộng mơ trở nên vắng vẻ.

(Còn nữa)

Theo thống kê, hiện có hơn 500 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long với hàng nghìn nhân viên trực tiếp làm việc. Chỉ tính riêng 173 tàu lưu trú đã có gần 2.000 nhân viên. Dù không hoạt động nhưng các hộ kinh doanh tàu du lịch vẫn phải duy trì trả lương cho nhân viên, đóng bảo hiểm tàu, tiền thuê bến bãi, đăng kiểm, đăng ký… Trung bình các hộ phải đóng thuế dao động từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng.