Nhìn nhận thêm về tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở châu Á

Ở nhiều quốc gia châu Á, tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần là một trong những đặc điểm quan trọng góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa, niềm tin và phong tục, tập quán… Trường đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội vừa phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế về “Tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở châu Á”.

Các diễn giả tham gia hội thảo trao đổi ý kiến. Ảnh: PHẠM THÀNH LONG
Các diễn giả tham gia hội thảo trao đổi ý kiến. Ảnh: PHẠM THÀNH LONG

Hội thảo tập trung tìm hiểu tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở châu Á dưới góc độ chuyên ngành và liên ngành: văn học, sử học, văn hóa học, tôn giáo học… Các tham luận hướng vào các truyền thuyết về Quan Âm và nữ thần ở khu vực châu Á, lịch sử tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở khu vực châu Á, các di tích và việc thực hành tín ngưỡng này trong khu vực… Tại một số quốc gia khác như Ấn Độ, Sri Lanka, Tây Tạng, Indonesia… Quan Âm đều là biểu tượng của hoàng quyền và được thể hiện hình tượng là một trang vương tử tuấn tú. Trong khi đó, tại Việt Nam và Trung Quốc lại mang hình ảnh một “nữ thần” và được bản địa hóa về nguồn gốc, quê quán. Khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, hình tượng Quan Âm cũng chủ yếu đi vào tâm thức người Việt thông qua nhiều tác phẩm dân gian như Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Diệu Thiện... Hình tượng Quan Âm được hỗn dung với các tín ngưỡng thờ nữ thần như Đạo Mẫu, hay Cửu Thiên Huyền Nữ, cuối cùng đúc kết thành tín ngưỡng Quan Âm đặc trưng của Việt Nam.

Trong tiến trình lịch sử nước ta, tín ngưỡng thờ Mẫu hay nữ thần bản địa đã luôn tồn tại trong dân gian, dựa trên tinh thần “trọng Mẫu” trong gia đình và xã hội. Trong đó, các nữ thần trong dân gian luôn có một số mô-típ cơ bản như sinh nở thần kỳ, chiến công phi thường, có quyền năng và hiển linh âm phù… Tuy vậy, trước năm 1945, hệ thống tín ngưỡng này bị các trí thức Âu hóa và những người bảo thủ về đạo đức phê phán như một tệ nạn xã hội.

Mãi tới sau những năm 1986, sự cởi mở trong tư tưởng và đời sống văn hóa đã giúp tín ngưỡng này từng bước được khôi phục và được Nhà nước công nhận. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Việt Nam thật sự hồi sinh và được thừa nhận về mặt thể chế, đánh dấu bằng sự công nhận di sản văn hóa phi vật thể ở cấp quốc gia (2012) và ở cấp quốc tế do UNESCO công nhận Di sản văn hóa năm 2016.