Một nhiệm kỳ vượt khó

Ngày hôm qua 10-1, đại hội toàn thể Hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ XIII (2021 - 2025) đã diễn ra trong thời tiết lạnh giá. Tuy thời tiết không ủng hộ, đại hội vẫn đón 492/736 hội viên tham dự. Trong đó, đa phần là các hội viên trung - cao tuổi.

Đại diện Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội chúc mừng Ban chấp hành nhiệm kỳ mới. Ảnh: YÊN NGA
Đại diện Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội chúc mừng Ban chấp hành nhiệm kỳ mới. Ảnh: YÊN NGA

1.  Với mong muốn chung về sự khởi sắc trong nhiệm kỳ tới và niềm thông cảm, chia sẻ với ban chấp hành (BCH) khóa cũ qua một nhiệm kỳ ngắn, nhiều khó khăn, đại hội đã diễn ra trong không khí thiện cảm, nhẹ nhàng.

Đáng chú ý, với quãng thời gian từ 2017 đến hết năm 2020, đặc biệt cả năm 2020 hoạt động phong trào của Hội bị hạn chế do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, với vai trò điều hành của BCH gồm tám thành viên, Hội Nhà văn Hà Nội đã có nhiều đầu việc được hoàn thành. Đó là 18 hội thảo, tọa đàm văn học, chuyên đề hằng tháng, sáu chuyến đi thực tế, bốn trại sáng tác, phối hợp tổ chức sân thơ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Nguyên tiêu 2018, phối hợp tổ chức hai khóa bồi dưỡng và thẩm bình văn chương… Đặc biệt là Hội nghị viết văn trẻ lần thứ ba và sau đó là việc thành lập CLB văn học trẻ thuộc Ban nhà văn trẻ của Hội với một số hoạt động sôi nổi, thu hút nhiều cây bút trẻ trên địa bàn thành phố tham gia.

2. Tuy nhiên, trong nỗ lực chung, Hội không khỏi đối mặt những hạn chế mà như nhiều người thừa nhận, là “cái khó bó cái khôn”. Đó là kinh phí hoạt động rất hạn hẹp so nhu cầu, lại không được hoạt động các dịch vụ văn hóa có nguồn thu để bù vào sự thiếu hụt kinh phí và nhiều khó khăn khác. Trong đầu tư sáng tác, do kinh phí hạn chế nên Hội khó lòng đầu tư theo kiểu dàn đều cho các nhà văn cao tuổi, bởi như vậy sẽ rất ít ỏi, mà phải chia vào trại viết, chuyến điền dã sáng tác, hỗ trợ một phần nhỏ cho một số tác phẩm gặp khó về kinh phí xuất bản…

Có thể nói, sự thiếu hụt về nguồn lực gây cản trở ghê gớm với các ý tưởng, dự định, kế hoạch hoạt động của Hội. Như bộc bạch của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2017 - 2020, thì tất cả các thành viên BCH đều chỉ hoạt động bằng nhiệt tình, không hề có phụ cấp. Hội không có tài khoản. Mọi hoạt động và chi phí đều phải đề xuất lên và chờ sự thông qua của Hội Liên hiệp VHNT thành phố. Ngay đến trụ sở làm việc, hội họp, ban đầu Hội cũng phải sử dụng chung một căn phòng nhỏ với Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, nhiều khi hội viên đến, lãnh đạo Hội phải mời xuống tiếp dưới quán cà-phê. Sau một thời gian Hội Liên hiệp VHNT mới bố trí cho Hội Văn nghệ dân gian xuống tầng dưới. Nhà thơ Trần Quang Quý, Phó Chủ tịch thường trực nhiệm kỳ 2017 - 2020 cũng nhận xét, bên cạnh những nỗ lực của mỗi thành viên BCH, do thời gian ngắn, năm 2020 lại do dịch bệnh, nên một số kế hoạch đã định chưa thực hiện được, như hội thảo về chuyên đề văn học dịch, văn học thiếu nhi…

3. Trong đại hội diễn ra ngày hôm qua, các đại biểu đã bầu ra BCH mới 9 thành viên gồm các nhà thơ Trần Quang Quý, Trần Gia Thái, Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Linh Khiếu, Bùi Việt Mỹ, Nguyễn Việt Chiến, Lê Cảnh Nhạc, Nguyễn Thị Mai và duy nhất nhà văn Y Ban. Hơi tiếc là một số gương mặt thuộc thế hệ mới được giới thiệu nhằm tăng cường lực lượng trẻ cho BCH đã không đủ số phiếu góp mặt. Cũng như đề nghị đáng chú ý của hội viên - TS Tôn Phương Lan là nên giới thiệu gương mặt đại diện cho lĩnh vực nghiên cứu, phê bình, dịch thuật tham gia vào BCH, sau đó cũng không thực hiện được.

Tất nhiên, tới đây, BCH mới sẽ thành lập các hội đồng chuyên môn của ngành thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, dịch thuật, các ban phong trào và sẽ phải huy động, mời gọi thêm sự tham gia của nhiều gương mặt khác. Nhưng có lẽ, đang có một xu hướng đáng băn khoăn, về sự giảm nhiệt tình, thiếu hào hứng của không ít tác giả, cây bút đối với hoạt động phong trào của hội nghề nghiệp. Nhìn lại quá nhiều cái khó, cái vất vả và phải dành nhiều thời gian của bộ máy lãnh đạo Hội không chỉ nhiệm kỳ vừa qua, có thể thấy đó cũng là một trong những nguyên do để nhiều người “hững hờ”.

Tới đây, có lẽ cũng sẽ tiếp tục là một chặng đường khó khăn đối với BCH mới. Và để vượt qua, bên cạnh những cố gắng thực hiện phương hướng, mục tiêu hoạt động đề ra, phải chăng cần sự nhìn lại, lý giải rõ hơn và sớm rút kinh nghiệm về những hạn chế trong cách hoạt động, phối hợp, sự kết nối với Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, với chính quyền và các ban, ngành thành phố, với đông đảo hội viên, với xã hội.