Tiếng gọi của đá

Cuối tháng mười ấy tôi đi theo tiếng gọi của một vùng đất đầy mê hoặc mà người ta gọi là thiên đường đá.

Tôi nhìn thấy những mỏm núi đá tai mèo xám vươn thẳng lên bầu trời vời vợi, xanh mỡ màng. Những mạch hồng ngọc chảy xuống, loang ra bề mặt thô nhám, là những dải hoa tam giác mạch của vùng cao nguyên đá đang vào mùa nở rộ. Mùa của bức tranh sơn thủy nơi miền biên viễn làm say lòng người, như thứ mật ngọt gọi ong đến, như hoa thơm gọi bướm về và như tiếng sáo tiếng khèn vi vu réo rắt luồn qua kẽ đá chui qua làn mây rủ gọi bạn tình.

Rời cột mốc số 0 ở thành phố Hà Giang, tôi bước chân vào con đường Hạnh Phúc để đến với cao nguyên đá, tưởng như mình có thể nghe thấy tiếng đục tiếng dũi tiếng cuốc tiếng khoét, nghe thấy tiếng gọi nhau í ới, cười đùa của hàng nghìn con người trẻ tuổi. Con đường mở ra một khung cảnh thiên nhiên mênh mang, lộng lẫy và đầy hoang dại. Những ngọn núi đá sừng sững trùng điệp nối nhau, những rẻo thung sâu hoang hoải xa xanh với dăm ba nóc nhà đơn sơ buông sợi khói chiều man mác, những con vực sâu hun hút, những cánh đồng bậc thang chơ vơ dưới nắng thu trong veo se lạnh, mây bay bảng lảng trong không gian mờ ảo gợn nỗi nao nao diệu vợi. Bên những cung đường uốn lượn gấp khúc, hoa tam giác mạch đang vào mùa khoe sắc, như những con người vào mùa lễ hội cứ rừng rực lên, rờ rỡ, mê đắm, môi hồng hơn, má thắm hơn, ánh mắt long lanh hơn, khăn thêu đội đầu, xúng xính áo váy sặc sỡ để lộ bắp chân chắc nịch tròn lẳn.

Tôi bay trên những thảm hoa phớt hồng phớt tím đẹp dịu dàng, nghe loài hoa rì rầm kể chuyện đời hoa không biết tự bao giờ đã bén đất bén duyên trên vùng cao nguyên chỉ toàn những đá và đá này, để cứu đói cho dân bản vào mùa giáp hạt, trở thành món lương thực không thể thiếu của người dân chốn biên ải.

Tôi cầm chiếc bánh tam giác mạch đã được nướng chín thơm phức đưa lên mũi hít hà khoan khoái rồi mới bẻ nhỏ ra cho vào miệng từng chút một, miếng bánh mềm, xốp, nóng, ngòn ngọt nhưng sau khi tan vào miệng để lại chút bã lợn cợn và vị chua chua nơi đầu lưỡi. Với người phương xa, tam giác mạch là loài hoa mong manh mà can trường nơi sơn cước. Còn với người ở miền cao nguyên đá này thì tam giác mạch chính là ngô, là gạo, là rau, là thuốc và là cả thứ men say mà “đã say là chẳng muốn tỉnh”.

Tôi say hoa tôi say lừ cả đá, từ những khối đá đồ sộ hùng vĩ váng vất tầm mắt đến những hàng rào đá bao quanh ngôi nhà trình tường làm bằng đất dẻo, những viên đá được người dân cần mẫn lượm lặt đem về từng chút một xếp chồng khin khít lên nhau, những gồ ghề góc cạnh của đá như một thứ  kết nối tạo nên bức tường rào vững chãi và chắc chắn. Hàng rào đá cao ngang đầu người bảo vệ cho ngôi nhà khỏi thú rừng, che chắn cho người dân khỏi những cơn gió đông nơi vùng cao lạnh cắt da cắt thịt. Nhờ những hàng rào đá thô sơ mộc mạc ấy mà những ngôi nhà mầu hoàng thổ ba gian hai chái, mái ngói máng âm dương, cửa gỗ luôn mở vào trong, trên khung cửa chính lúc nào cũng treo một tấm vải mầu đỏ hình chữ nhật bỗng trở nên thật xinh đẹp, thơ mộng.

Tôi lên đỉnh Mã Pì Lèng vào một buổi chiều mưa giăng giăng và mây như bông bay bồng bềnh lơ lửng giữa những triền núi, cái lạnh ở nơi cao vút chênh vênh này khiến tôi phải so hai vai lại, vì tấm áo khoác mỏng. Nhìn xuống dòng sông Nho Quế lượn lờ xa xa trông như một dải lụa mầu ngọc bích. 

Bạn tôi bảo hãy đi cao nguyên đá Hà Giang một lần cho biết quê hương mình đẹp đến nhường nào.