Hoa của núi rừng

- Cô giáo, mày ác lắm! Tao không học nữa đâu!

- Ừ, nếu tao không ác. Mày đi theo ông, theo bà về thế giới của Giàng, có rẫy, không có nương, lại không có chữ thì công tác ở đâu?

Minh họa: LÊ ANH VÂN
Minh họa: LÊ ANH VÂN

Ken không nói gì, chỉ mím môi, gò lưng tiếp tục tập viết, thỉnh thoảng dừng viết, liếc nhìn Chi, miệng không ngừng làu bàu. Chi cứ mặc kệ, cô buông người xuống ngồi sát ngay bên cạnh Ken. Dù đã cố kiềm chế cảm xúc của mình nhưng  lần nào đến giờ tập viết, Ken cũng làm Chi hùng hổ cao giọng, lớn tiếng lên như thế, để rồi hôm sau sang nhà nịnh Ken tiếp tục đi học. Lần nào cả cô lẫn trò cũng phải “mặt nặng mày nhẹ” một lúc lâu mới thấy Ken hầm hầm hố hố băng băng đi về phía cổng trường, theo từng bước chân giận hờn của Ken bụi mịt mù bay lên quẩn lại phía sau cô giáo đang lấp xấp chạy theo sau. 

Ngày đầu tiên lên đây nhận lớp, lũ học trò cứ giương mắt lên nhìn khi Chi bảo cả lớp tập viết. Những con chữ không ngay hàng thẳng lối theo ô ly trên vở mà cứ ngoằng ngoằng hết lên dốc lại xuống đèo, ngoằn ngoèo, nguệch ngoạc, gập ghềnh như con đường đi học của các em. Dần dà sau bao nhiêu cố gắng của cô giáo Chi, bọn trẻ trong buôn cũng đã viết được cái tên của mình một cách ngay hàng thẳng lối. Chỉ còn một mình học sinh “lớn tuổi” là Ken, không biết dạy kiểu nào. Chi cầm tay Ken tập viết nhiều đến nỗi mùi nắng cháy bốc lên khét nghẹt không còn làm Chi cảm thấy khó chịu nữa, mà cái chữ Ken viết vẫn cứ đi như cua càng. Đã vậy tính lại còn hay dỗi. Chi không biết mình đang làm cô giáo dạy chữ hay là kiêm luôn bảo mẫu vừa dạy vừa phải dỗ dành.

Chi người nhỏ nhắn, xinh xắn, tóc nhuộm nâu mầu hạt dẻ, rõ ràng con gái thành phố trăm phần trăm đến nơi “khỉ ho, cò gáy” nắng nhiều, gió nhiều này. Nói theo ngôn ngữ của Thành thì  đây là cái nơi  buồn như con chuồn chuồn, chán như con gián, cái nơi mà Thành chỉ một lần đến thăm Chi đã xá “một đời cha, ba đời con” có cho vàng dát bạc cùng kim cương Thành cũng không bao giờ dám ở nơi này. Thật ra đến ngày làm đơn xin về Đắk Rih, Chi cũng chưa hình dung vùng đất ấy nó như thế nào, chỉ biết rằng nơi đó đang rất cần giáo viên. Vậy là Chi vác ba-lô lên đường. Chi còn trẻ, hơn hai mươi tuổi. Mang trong mình trái tim phần nhiều lãng mạn kèm theo tâm hồn bay bổng. Muốn được làm một cái gì đó, thật sự có ích. Vậy là... a lê hấp... lên đường. Nhẹ tênh! Mà như lời Thành nói, cứ như chiến sĩ xung trận lên đường giết giặc vậy. Hào hứng, vui vẻ, sẵn sàng mà không một chút nghĩ suy vướng bận. Thì Chi cũng là chiến sĩ chứ bộ. Người chiến sĩ trên mặt trận tiêu diệt giặc dốt, cũng oách xà lách còn chi.

Nơi Chi đến làm cô giáo là một buôn đồng bào M’Nông, đường đi ở trong rừng, đường đi ở trong khe, đường đi trên đỉnh dốc. Đi miết, đi miết vẫn thấy mặt trời trên đỉnh núi. Cánh rừng phía xa xa, đi miết, đi miết áo ướt đẫm mồ hôi vẫn thấy cánh rừng đứng yên chỗ đấy. Đường đi vất vả như thế này ư? Lần đầu tiên Chi đến một nơi thế này. Cào cào bay rào dưới chân cô cũng chẳng buồn đuổi đi. Một con gì lông mềm mượt như nhung từ trong hốc núi lao ra làm cô giật mình, tim thót lại. Rừng buổi chiều tà mỗi lúc một âm u, lá rụng dưới chân nghe lạo xạo, tiếng kêu của những con thú rừng vang lên đâu đó. Chi thấy sờ sợ, người cứ rúm ró, lại càng nhớ đến những con đường nhựa, nhớ những ngọn đèn sáng trưng như buổi ban ngày. Rồi như rã rời, đang định ngồi nghỉ trên phiến đá to thì chợt Chi thấy sáng sáng ở trước mặt, mới phát hiện mình sắp ra khỏi rừng. Đang rối trí không biết đi đường nào đến trường khi một ngã ba đã án ngay phía trước. 

Một tiếng gọi “Chi” vang lên. Trước mặt cô là một thanh niên người M’Nông, mắt sáng, da nâu rắn rỏi khoảng chừng hơn hai mươi tuổi. Anh ta nhìn, một cái nhìn không nói lên điều gì cả. “Già làng bảo tao ra đón cô giáo”. Nói rồi, anh ta cứ thế quay ngoắt người lầm lũi bước đi mà không thèm mang giúp chiếc túi xách đang oằn xuống trên vai Chi rã rời. Cố nén bực mình, Chi bắt chuyện: “Anh tên gì?”. “Ken”. Dọc đường, Chi hỏi câu nào thì anh ta trả lời nhát gừng từng lát. Chi thấy bực mình, giận ghê, giận gớm.

Về đến buôn Đăk Rih đã thấy mọi người tụ tập trước sân nhà dài. Từ trong những ngôi nhà bắt đầu những tiếng chân lịch bịch, tiếng người í ới gọi nhau. Cô giáo về dạy cái chữ cho đồng bào. Thế thì đàn ông phải đến. Đàn bà phải đến. Thanh niên phải đến. Con nít càng phải đến. Những ghè rượu cần chạy một hàng dài từ đầu cầu thang đến cuối nhà dài. Già làng cất tiếng “Hôm nay cô giáo là khách quý, cô giáo phải uống nhiệt tình, buôn Đak Rih đã chờ lâu lắm rồi”. Kan thứ nhất, kan thứ hai, kan thứ ba... Chi như lịm đi trong thứ nước cay, say dịu  và ngọt mềm như những vòng tay ôm.

Chi đã trở thành người thân của lũ làng Đak Rih. Các cụ già, em nhỏ, những cô gái quấn xà-rông thổ cẩm ánh mắt như nắng lấp lánh cười. Cuộc sống từ buôn Đắk Rih vẫn phả lên cái mùi hoang sơ và dân dã. Ở nơi này người ta chưa nghĩ đến việc phải kiếm nhiều tiền, biết được nhiều chữ và chờ đợi quá nhiều vào những ước vọng xa xôi. Mỗi đứa trẻ ở đây sinh ra được tắm gội dưới nước mọi của rừng, được khóc váng thật to giữa đất rộng trời cao. Chúng mang mầu da nâu như đồng và khỏe mạnh như những chàng Đam San với những cánh cung vút tên, bạt gió. Thế nên, ngày Chi mới lên, dân làng bảo: “Với người M’Nông tao, cái chữ là vàng”. Họ nói tiếp “Nhưng vàng không làm no cái bụng”. Chi bực. Chi thấy ghét họ. Nhưng sống gần nhau lâu ngày lại thấy thương, để đến khi Thành lên thăm đã hét ầm: Nhận được cái gì ở đây mà phải bôn ba lên tận nơi này? Cái nơi chỉ mới nghe tên đã thấy heo hút, xa lắc, xa lơ mút chỉ cà tha rồi. Trong khi ở lại thành phố Chi đâu thiếu việc để làm. Chưa nói đến chuyện ở đây có ai xứng với mình không, riết rồi ở giá mất. Chi chỉ phì cười trước lời răn đe của Thành:  Ai cũng ở thành phố thì nơi này còn có ai đến. Ai cũng chọn dạy đại học, dạy trung học thì ai dạy lũ nhỏ đánh vần. Có nụ mới có hoa chứ. Tiếc rằng mỗi người chỉ có một cuộc đời! Thành trợn mắt, nắm lấy vai Chi lắc mạnh: Chi bị ốm hả? Sao nói gì lảm nhảm giống mấy ông triết gia nửa mùa quá vậy! Hay là Chi ăn phải bùa mê, thuốc lú rồi. Để Thành đưa Chi về lại thành phố nha. Nhìn vẻ mặt của Thành, Chi bật cười, rồi nói như lên đồng: Chi nghiêm túc đấy. Ai học xong ra trường cũng ở lại thành phố làm việc thì những vùng sâu, vùng xa như thế này làm sao phát triển được, người dân ở đây cứ mãi thiếu ăn, thiếu mặc. Họ đâu chỉ đói cơm mà còn đói cả cái chữ thì đến bao giờ mới hết nghèo? Giờ đến lượt Thành bật cười: Chi ơi là Chi, sao Chi cứ mãi lo bò trắng răng. Mình Chi thì làm thay đổi được gì - Nhưng ít ra cũng phải có người đi trước mở đường chứ - Mình nghĩ rằng, Chi nên sống với hiện thực thì hơn, đừng quá lãng mạn quá như thế chớ. Chỉ một vài năm, thậm chí không tới, Chi sẽ chán và sẽ trở về lại thành phố. Bấy giờ thì sẽ quá muộn…

Chi và Thành học cùng lớp, lớn lên cùng nhau từ ngày nhỏ xíu. Thành đặt cho Chi cái biệt danh không mấy hay ho “Chi tửng”, khi Chi luôn làm những việc không giống số đông. Thành bảo Chi cùng đăng ký vào học kinh tế hay ngoại thương chưa ra trường đã có công ty nước ngoài đón chờ rước đi. Chi lại làm hồ sơ vào sư phạm, lại còn khoa Tiểu học nữa thì có chết không cơ chứ. Thành cay cú bảo Chi là gàn dở, đang tự lãng phí đời mình. Đáp lại lời Thành, Chi chỉ nói giản đơn “Như thế đủ cho cuộc sống của Chi rồi”. Thành nhìn thấy ánh mắt của Chi hình như cũng thẳm sâu hơn, phản chiếu một thứ ánh sáng nào đó mà đến bây giờ Thành vẫn chưa đủ sức để hiểu. 

Lần đó cũng như nhiều năm về sau, Thành nhiều lần muốn Chi trở lại thành phố. Nhưng dù Thành có nói gì đi nữa thì Chi cũng quyết định ở lại nơi này. Bởi Chi yêu công việc của mình. Càng ngày Chi càng nhận ra mình đã quá gắn bó với nơi này. Cô đã thành người của buôn Đắk Rih rồi và dân làng từ lâu đã quen có cô giáo trong mọi việc của buôn.

Vĩ thanh

Hôm qua, nhận được thư cô giáo Chi báo tin Ken đã thi đậu vào Đại học Sư phạm - chàng tân sinh viên ngoài ba mươi tuổi. Cuối cùng thì Chi cũng đã làm được “một cái gì đó”, giản dị vậy thôi!