Viết cho trẻ bằng tâm thế đặc biệt nhất

Bên cạnh thơ, tản văn, truyện ngắn và vẽ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều còn có một “nhánh viết” khá thú vị, đó là những cuốn sách cho thiếu nhi. Những cuốn sách như “Rùa trắng”, “Bí mật hồ cá thần”, “Con quỷ gỗ” của ông đã đưa ông vào danh sách những người viết truyện cho thiếu nhi ở Việt Nan. Trước thềm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 năm nay, nhà văn Nguyễn Quang Thiều ra mắt tập truyện thiếu nhi “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya”. Đây cũng là cuốn sách mở đầu cho một “tiểu dự án” viết sách cho thiếu nhi của ông.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: NGUYỄN THANH BÌNH
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: NGUYỄN THANH BÌNH

Phóng viên (PV): Thưa nhà văn Nguyễn Quang Thiều, ông viết nhiều thể loại, từ thơ ca, tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn... Vậy những tác phẩm viết cho thiếu nhi có vị trí như thế nào trong hành trình sáng tạo của ông?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (NQT): Với cá nhân tôi, việc sáng tác các tác phẩm văn học thiếu nhi gắn liền với các con và các cháu tôi. Chỉ đơn giản là tôi muốn kể cho chúng nghe những câu chuyện nào đó mà tôi cảm nhận được quanh đời sống của tôi từ nhỏ đến giờ. Và khi viết bất cứ điều gì cho các con, các cháu mình thì đó là lúc người ta viết trong một tâm thế đặc biệt nhất, cảm xúc nhất và hệ trọng nhất. Bởi biết đâu những trang viết đó sẽ thay đổi một điều gì rất hệ trọng trong tâm hồn những đứa trẻ.

PV: Ông còn nhớ tác phẩm đầu tiên viết cho thiếu nhi của mình?

NQT: Đó là truyện vừa “Bí mật hồ cá thần”. Tôi viết tác phẩm này cho con gái tôi. Hồi nhỏ, buổi tối tôi thường nằm bên hai đứa con tôi và nghĩ ra những câu chuyện để kể cho chúng. Một ngày con gái tôi nói: “Bố có thể viết một cuốn truyện cho con không?”. Tôi đã hứa với con gái tôi và đã thực hiện lời hứa đó. Câu chuyện về một con cá sống trong một đầm nước ở quê tôi. Người lớn thì săn lùng con cá để hưởng thụ khoái cảm ăn uống. Nhưng những đứa trẻ đã tìm cách cứu con cá đó như cứu một người bạn.

PV: Còn tác phẩm mới nhất của ông vừa ra mắt được viết trong sự thôi thúc hay niềm cảm hứng nào?

NQT: Tác phẩm mới nhất của tôi có tên “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya” vừa được Nhà xuất bản (NXB) Trẻ ấn hành. Tôi như một thư ký ghi lại những câu chuyện của hai cháu tôi trong năm đầu tiên của cuộc đời các cháu. Mục đích là kể các câu chuyện liên quan đến các cháu và mối quan hệ của các cháu với ông bà, cha mẹ và những người thân yêu hai bên gia đình nội ngoại. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ viết cuốn sách này như một món quà cho hai cháu tôi và tự in khoảng trăm cuốn để làm kỷ niệm. Nhưng một biên tập viên NXB Trẻ đọc bản thảo và quyết định in cuốn sách này. Biên tập viên ấy nói với tôi đó là những câu chuyện cụ thể về hai đứa trẻ cụ thể nhưng lại là câu chuyện chung cho những đứa trẻ khác.

PV: Tôi rất thích cuốn sách này bởi ông đã lựa chọn được một ý tưởng kể chuyện rất khác biệt, thú vị. Vậy xin hỏi ông rằng, trong khi viết cho thiếu nhi, mối bận tâm lớn nhất của ông là gì? Kể một câu chuyện, đưa ra một bài học? Hay ý tưởng để kể câu chuyện đó, hay đơn giản hơn, là hãy viết khác đi, ngắn hơn, đừng dài dòng như trước nữa?

NQT: Mục đích của tôi trong tất cả những cuốn sách đã viết cho con cháu mình hay thế hệ của các con, các cháu tôi là dựng lên một thế giới đẹp, tinh khiết và nhân văn. Và từ thế giới ấy những vẻ đẹp tâm hồn từng bước được hình thành. Tôi không đồng ý những cuốn sách viết cho trẻ em lại nhằm áp đặt một hình thái đạo đức nào đó. Điều đó có nguy cơ làm “tan vỡ” thế giới tuổi thơ của chúng. Hãy để cho trẻ em được sống trọn vẹn tuổi thơ của mình. Còn dài hay ngắn phụ thuộc vào từng lứa tuổi đọc cuốn sách đó. Nó không phải là điều quan trọng.

PV: Được biết ông đang có kế hoạch viết tiếp những cuốn sách quanh việc quan sát những đứa cháu của mình. Ông có thể chia sẻ về điều này?

NQT: Tôi dự định viết bộ sách khoảng năm cuốn cho các cháu tôi. Cuốn thứ nhất vừa được in và phát hành như anh biết. Cuốn thứ hai tôi viết về những câu chuyện đồ chơi của hai cháu. Tôi quan sát và nhận ra, các cháu tôi thường trò chuyện với đồ chơi của mình như trò chuyện với một người bạn thân nhất. Vậy chúng trò chuyện về cái gì? Tôi mang sức tưởng tượng của mình ra để hiểu nội dung cuộc trò chuyện đó và kể lại. Cuốn thứ ba tôi viết về những câu hỏi của các cháu tôi về những điều của cuộc sống quanh chúng và những câu trả lời của tôi. Vì lúc đó các cháu tôi đã đều biết nói. Chúng sẽ hỏi rất nhiều. Đừng bao giờ trốn tránh tất cả các câu hỏi của trẻ con. Hãy trả lời chúng cả bằng trí tưởng tượng của mình.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!