Còn đấy nút yếm đào

In tập thơ “Còn tin ở phía con người” (NXB Dân trí), Khúc Hồng Thiện tiếp nối mạch lục bát đã miệt mài khai phá khoảng chục năm qua, đã được một số bạn nghề ghi nhận, một số nhà phê bình khích lệ và bạn đọc đón chào. 

Còn đấy nút yếm đào

“Vía làng”, “men quê” còn đậm đà trong người thơ ra phố tác nghiệp nhưng mối dây liên hệ phía thôn xóm vẫn là thường xuyên cả trong tâm thức lẫn sự đi lại, trở về. Bởi vậy mà lục bát tròn vẹn, trìu mến như hợp với tạng người. Tác giả có những dòng, đoạn thơ lục bát khá trôi chảy, hơi thở tự nhiên như thấm vào vần, nhịp, tạo sự thoải mái cho câu chữ, cho người đọc. Điều này thật quan trọng, bởi nếu gò quá, trúc trắc quá, ôm đồm quá, thì tưởng là làm mới, nhưng có khi câu sáu vừa chớm lên thì câu tám đã “kéo”… thơ hạ xuống.

Tất nhiên, trong tập thơ nhỏ chiếm đa phần là thơ lục bát, vẫn còn những bài năm chữ, sáu chữ, tám chữ… với những ý thơ hồn hậu. Nên cùng với mến thương “mưa làm ướt áo ban trưa/mưa làm nhàu những điều vừa pha lê” (Mưa Mai), còn có ngẫm ngợi chân thật: “Ngày cuối năm về nhà/Khơi lòng như khơi giếng” (Khơi lòng), “Sao lòng bỗng dưng say đắm/mày ngài sáng một vành trăng” (Khăn rằn).

Nhưng đôi mắt nhìn chốn thôn dã của người thơ thời đương đại, cũng đã có những phần biến chuyển đi theo thời cuộc, hoàn cảnh. Để rồi ngẫm ngợi về làng, về phố, về đường đời hôm nay, trong chân tình mộc mạc, Khúc Hồng Thiện đã đan xen đâu đó nỗi xao xác, chút vị chua chua chát chát lẽ đời. Gọi là chút vị thôi, bởi sâu xa vẫn là tinh thần bộc lộ ngay từ tên tập thơ - “Còn tin ở phía con người”, vẫn tha thiết, vẫn thấm đượm những cảm tình và nâng đỡ cùng gia đình, người thương, người cũ, người chung quanh, nhịp sống xa gần. Dù những thân thương đó hiện lên trong cuộc đời đã khó lòng thuần phác như... mong ước. Bài thơ “Lúa trên sân Văn Miếu”, tác giả dành ít chữ nhưng lại là điểm nhấn cuối bài, làm nổi lên tinh thần đẹp, lẽ sống đẹp, lạc quan: “Trên sân Văn Miếu, ô kìa/bóng người trồng lúa, xong, đi nhẹ nhàng!”. Hai bài thơ mượn hứng từ “Truyện Kiều” mở ra những hình dung khác, vừa gắn hiện đại, vừa phảng phất cổ kính, nối cùng đắng đót “đời Kiều đã chết bao lần/giải oan mệnh bạc còn luân hồi về” là cảm thương như người trong cuộc, như “Truyện Kiều” còn thấm tận bây giờ: “mười lăm năm mấy cuộc đời/tôi xin an táng cho người tôi thương” (Tôi xin an táng…). Và: “Sóng đôi một đoạn với Kiều/Nguyễn Du khi trước nói điều gì đây?Hay là ông ngả nghiêng say/Kiều nhi ơi, lựa phím này mà so…”. 

Tập thơ “Còn tin ở phía con người” đem lại những khoảnh khắc tươi sáng trên những câu thơ nền nã, mong là bàn tay tháo then cửa để mở ra những khung trời rộng sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa. Chờ đợi đọc tiếp những câu thơ như thế này của Khúc Hồng Thiện: “Ai đem Ngọc Khánh chiều nay/nối vào Kim Mã những ngày chưa Kim/chẳng ai lú đến quên tìm/mà sao đằng đẵng không nhìn thấy nhau” (Trang trắng), để rồi: “người xưa dù có xanh xao/thì xin cởi nút yếm đào đôi mươi!” (Hãy giữ ký ức tươi sáng).