Bất ổn trên chính trường Peru

AP ngày 2-10 cho biết, Phó Tổng thống Peru Mercedes Araoz thông báo không đảm nhận vai trò Tổng thống lâm thời do phe đối lập đề xuất và tuyên bố từ chức với hy vọng mở đường cho cuộc tổng tuyển cử mới.

Các nghị sĩ đối lập tại phiên bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ Peru. Ảnh: REUTERS
Các nghị sĩ đối lập tại phiên bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ Peru. Ảnh: REUTERS

Chính trường Peru rơi vào khủng hoảng trong bối cảnh mâu thuẫn giữa Tổng thống Martin Vizcarra với phe đối lập leo thang nghiêm trọng. Đúng vào thời điểm Tổng thống Martin Vizcarra tuyên bố giải tán Quốc hội với lý do “bất tuân” những cảnh báo của ông, thì cơ quan lập pháp nước này cũng tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ với kết quả 50 phiếu thuận, 31 phiếu chống và 13 phiếu trắng.

Ngay sau đó, Quốc hội Peru đã tuyên bố thảo luận vấn đề luận tội Tổng thống, đồng thời thông qua nghị quyết đình chỉ chức vụ đối với Tổng thống Martin Vizcarra trong thời gian một năm. Đề xuất luận tội tổng thống do một thành viên đảng Sức mạnh nhân dân, chiếm 73 trong tổng số 130 ghế Quốc hội, đưa ra. Nghị quyết nêu rõ, ông Vizcarra không đủ năng lực đạo đức để giữ chức Tổng thống. Phe đối lập nhất trí đề cử Phó Tổng thống Mercedes Araoz nhậm chức Tổng thống lâm thời, với lập luận điều này theo đúng quy định của Hiến pháp. Trước đó, trong một phiên họp toàn thể, các nghị sĩ đối lập đã cáo buộc Tổng thống Vizcarra vượt quá ranh giới của Hiến pháp, và khẳng định họ sẽ tìm cách lật đổ ông, cho rằng ông “thiếu đạo đức để điều hành chính phủ”.

Trong khi đó, ông Vizcarra cáo buộc phe đối lập cố gắng lợi dụng Quốc hội và tòa án để né tránh các cuộc điều tra hình sự nhằm vào họ. Theo sắc lệnh ngày 1-10 của Tổng thống Martin Vizcarra, cuộc bầu cử Quốc hội sớm ở quốc gia Nam Mỹ sẽ tổ chức vào ngày 26-1-2020 sau khi Quốc hội bị giải tán.

Theo luật pháp Peru, khi chính phủ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm thì Tổng thống phải chỉ định được một chính phủ mới để Quốc hội phê chuẩn. Nếu chính quyền hành pháp không có được sự ủng hộ của Quốc hội, Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội và khởi xướng bầu cử trước thời hạn.

Việc giải tán Quốc hội nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Peru, khi một số nghị sĩ bị nghi dính líu tới các vụ bê bối tham nhũng và nhận hối lộ. Tuy nhiên, hàng chục thành viên của đảng đối lập cho rằng đây là một “cuộc đảo chính” và từ chối rời khỏi Quốc hội. Trước những diễn biến căng thẳng nêu trên, lực lượng vũ trang và cảnh sát Peru đã tái khẳng định lòng trung thành đối với Tổng thống Vizcarra.