“Phép thử” cho quan hệ Mỹ - EU

Ngày 21-12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký phê chuẩn lệnh trừng phạt đối với các công ty tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Phương Bắc 2”. Lệnh trừng phạt do Washington ban hành vấp phải sự phản đối kịch liệt của các đồng minh bên kia Đại Tây Dương, với cáo buộc động thái này can thiệp trực tiếp lợi ích của Liên hiệp châu Âu (EU).

Biếm họa của PODVITSKY.
Biếm họa của PODVITSKY.

Các lệnh trừng phạt nói trên nằm trong một dự luật chi tiêu quốc phòng cho năm tài khóa 2020, được Tổng thống Trump ký tại căn cứ Andrews, một cơ sở không quân bên ngoài Thủ đô Washington. Đối tượng của lệnh trừng phạt là các công ty xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Phương Bắc 2”. Dự án này trị giá gần 11 tỷ USD và dự kiến tăng gấp đôi lượng khí tự nhiên từ Nga tới Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Ngày 17-12 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan dự án “Dòng chảy Phương Bắc 2”. Dự luật trên yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ trong vòng 60 ngày phải đưa ra được một báo cáo, trong đó nêu đầy đủ tên của các công ty và cá nhân liên quan dự án xây dựng đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” và “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” - một đường ống khác từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ. Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm “đóng băng” tài sản và thu hồi thị thực Mỹ cấp cho các nhà thầu.

Một ngày sau khi Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Washington nhằm vào các công ty tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Phương Bắc 2” là vi phạm luật pháp quốc tế, qua đó cho thấy sự cạnh tranh không công bằng. Phát biểu ý kiến trước báo giới tại Thủ đô Moscow, ông Peskov cũng cho biết Nga hy vọng có thể hoàn tất thi công đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Phương Bắc 2” bất chấp các lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, những đồng minh của Mỹ ở “lục địa già” cũng cực lực phản đối động thái này, cho rằng Washington không nên can thiệp vào các vấn đề thương mại của EU. Ngày 18-12, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chỉ trích việc Mỹ quyết định áp trừng phạt đối với các công ty tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Phương Bắc 2”. Theo bà, cách duy nhất để làm rõ vấn đề này là các bên cần tiến hành đối thoại.

Đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Phương Bắc 2” là dự án liên doanh giữa Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga với năm công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (dự kiến muộn nhất vào cuối năm nay), hệ thống đường ống này sẽ vận chuyển khoảng 100 tỷ m³ khí đốt mỗi năm từ Nga tới các nước EU thông qua Biển Baltic đến châu Âu, không đi qua lãnh thổ Ukraine. Mỹ từng cảnh báo rằng, việc tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu sẽ khiến các nước ở khu vực này phụ thuộc nhiều hơn vào Moscow, từ đó gia tăng tầm ảnh hưởng chính trị của Nga tại “lục địa già”.

Tuy nhiên, lý do EU chỉ trích mạnh mẽ lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan dự án “Dòng chảy Phương Bắc 2” là bắt nguồn từ lợi ích sát sườn với Nga. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga lại giúp châu Âu có nguồn cung ổn định với mức giá hợp lý, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho khu vực. Nếu tiếp tục xây dựng thêm một tuyến trung chuyển khí đốt từ Nga đi qua lãnh thổ Ukraine thì EU sẽ phải tốn thêm một khoản chi phí lớn, trong khi ngân sách của khối lại không mấy dư dả.

Trong bối cảnh đó, việc Mỹ áp đặt trừng phạt lên dự án “Dòng chảy Phương Bắc 2” đe dọa làm gián đoạn nguồn cung khí đốt tới châu Âu và làm tăng giá nhiên liệu sưởi ấm trong mùa đông. Do đó, các biện pháp trừng phạt của Mỹ lần này được xem là “phép thử” đối với mối quan hệ vốn đang tồn tại nhiều rạn nứt giữa EU và Mỹ. Nếu không vượt qua được, chắc chắn căng thẳng sẽ leo thang và không mang lại lợi ích cho cả đôi bên.