Mâu thuẫn mới hậu Brexit

Quan hệ Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) lại xuất hiện mâu thuẫn mới, sau khi Anh thông báo gia hạn tạm hoãn kiểm tra hải quan với thực phẩm tới vùng lãnh thổ Bắc Ireland, động thái mà EU cho là đe dọa phá vỡ các điều khoản của “thỏa thuận rút lui” Brexit.

Biếm họa của ARCADIO ESQUIVEL
Biếm họa của ARCADIO ESQUIVEL

Theo thỏa thuận Brexit (Anh rời EU) đã được hai bên nhất trí, Anh chính thức cắt đứt mọi ràng buộc thành viên với EU từ ngày 1-1-2021, nhưng riêng vùng lãnh thổ Bắc Ireland vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung EU và liên minh thuế quan để tránh phải thiết lập “biên giới cứng” giữa vùng này và CH Ireland thuộc EU. Anh và EU đã ký Nghị định thư Bắc Ireland, theo đó EU cử các nhân viên hải quan tới vùng Bắc Ireland tiến hành kiểm tra hàng hóa đi qua các cảng để bảo đảm những hàng hóa này khi vào Bắc Ireland sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường EU. Tuy nhiên, hai bên cũng thống nhất miễn kiểm tra hải quan với các thực phẩm và nông sản từ Anh vào Bắc Ireland trong quý I - 2021 để các doanh nghiệp Bắc Ireland có thời gian thích nghi các quy định mới.

Tuy nhiên, những ngày gần đây căng thẳng đã nảy sinh sau khi Thủ hiến vùng Bắc Ireland Brandon Lewis thông báo, London sẽ kéo dài thời gian ân hạn, trong đó thực phẩm và nông sản có thể được chuyển từ lục địa Anh tới Bắc Ireland mà không cần kiểm tra hải quan. Thời hạn áp dụng giai đoạn này là đến ngày 1-10, thay vì chấm dứt vào tháng 4 như đã được hai bên thống nhất trước đó.

Phản ứng về vụ việc, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic cho biết, EU sẽ có hành động pháp lý để đáp lại “hành động đơn phương” của Anh. EC chỉ trích hành động của Anh đã vi phạm Nghị định thư về Bắc Ireland, đồng thời làm suy yếu thỏa thuận nhằm bảo vệ hòa bình trên đảo Ireland. Chính phủ CH Ireland chỉ trích quyết định của London là vô ích, trong khi Pháp lên án đây là động thái không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, trong thông báo đưa ra sau các cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Frost và Phó Chủ tịch EC Maros Sefcovic, Chính phủ Anh cho biết, các biện pháp của Anh chỉ mang tính kỹ thuật và “có giới hạn”. Anh cho rằng, những biện pháp này chỉ là các bước đi tạm thời, chủ yếu tiếp nối các biện pháp đã được áp dụng. London bảo vệ quan điểm việc tạm hoãn sáu tháng là điều cần thiết để cho các doanh nghiệp như siêu thị, nhà vận chuyển hàng hóa có thêm thời gian thích nghi và triển khai những quy định mới. Đồng thời, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss khẳng định, London không vi phạm Nghị định thư Bắc Ireland ký với EU trong khuôn khổ thỏa thuận thương mại Brexit. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nước này để ngỏ mọi khả năng trong các cuộc đàm phán với EU để nâng cao hiệu quả triển khai nghị định thư về vấn đề Bắc Ireland. Trước đó, nhiều siêu thị ở Bắc Ireland “trống trơn” do gặp khó khăn trong nhập khẩu hàng hóa. Các siêu thị lớn của Anh đã kêu gọi chính phủ “can thiệp khẩn cấp” để ngăn chặn sự gián đoạn đối với hoạt động cung ứng thực phẩm cho vùng Bắc Ireland trong những tháng tới. Trong thư gửi Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Anh Michael Gove, lãnh đạo các tập đoàn bán lẻ, gồm Tesco, Sainsbury’s, Asda và Marks & Spencer đã cảnh báo tình hình có thể diễn biến theo chiều hướng xấu đi, nhấn mạnh, Anh và EU cần đạt được thỏa thuận về một giải pháp dài hạn trước khi giai đoạn thích nghi kết thúc. Gần đây, EU đã bác bỏ hầu hết yêu cầu của London về nới lỏng thương mại với Bắc Ireland, trong đó có đề xuất kéo dài thêm thời gian đến ngày 1-1-2023 để các siêu thị và nhà cung cấp của Anh điều chỉnh theo quy định hải quan mới đối với hàng hóa được vận chuyển đến khu vực này, bao gồm thịt đông lạnh và thuốc.

Theo các nhà phân tích, căng thẳng mới nảy sinh giữa EU và Anh sẽ ảnh hưởng tiến trình phê chuẩn thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Trước đó, hai bên nhất trí cần thêm thời gian để EU chính thức phê chuẩn thỏa thuận thương mại hậu Brexit đến ngày 30-4 tới để bảo đảm rằng văn kiện này được xem xét bằng tất cả 24 ngôn ngữ của khối. Hiện, Nghị viện châu Âu (EP) từ chối ấn định thời điểm cụ thể để bỏ phiếu cho thỏa thuận thương mại Anh - EU, nhằm phản đối việc “Anh đơn phương thay đổi thỏa thuận Brexit ở Bắc Ireland”.