Cơ hội đang cạn dần

Liên hiệp châu Âu (EU) và Anh vừa kết thúc vòng đàm phán thương mại hậu Brexit kéo dài bốn ngày nhằm thống nhất về mối quan hệ hai bên sau khi Anh rời EU. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thu hẹp được bất đồng về những vấn đề căn bản và cơ hội để đạt được một thỏa thuận đang ngày càng mong manh.

Biếm họa của FERGUSON
Biếm họa của FERGUSON

Ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán của EU và người đồng cấp Anh David Frost vừa kết thúc vòng đàm phán thứ chín vào cuối tuần qua, với kết quả không như kỳ vọng. Trong bốn ngày đàm phán, hai bên đã thảo luận giải quyết những vướng mắc chính còn tồn tại, như cạnh tranh công bằng, đánh bắt cá, thương mại hàng hóa và dịch vụ, năng lượng… Về vấn đề đánh bắt cá, sau khi Anh hoàn toàn rời EU, khối này vẫn muốn duy trì mối quan hệ “gần gũi nhất có thể” với Anh. Tuy nhiên, London muốn đàm phán hằng năm về hạn ngạch khai thác với các nước EU, tương tự trường hợp của Na Uy. 

Về cạnh tranh công bằng, EU muốn nước Anh bảo đảm rằng các quy định của họ trong các lĩnh vực như viện trợ nhà nước, tiêu chuẩn xã hội và việc làm hay chính sách thuế không khác quá xa so quy định của EU, ngay từ khi Anh tiếp cận thị trường châu Âu với tư cách là một nước bên ngoài khối. Chính phủ Anh phản đối quan điểm này và cho rằng việc nhượng bộ, làm theo yêu cầu của EU sẽ làm tổn hại chủ quyền của nước Anh.

Đáng tiếc là các vấn đề nêu trên đã không thể được giải quyết tại vòng đàm phán thứ chín vừa qua, dù thời gian để đàm phán đã gần cạn. Theo giới chức Anh, mặc dù vòng đàm phán lần này diễn ra trên “tinh thần tốt đẹp” và những phác thảo khung của thỏa thuận được cho là “đã nhìn thấy rõ” tại một số lĩnh vực, song những khác biệt về sân chơi bình đẳng, chính sách trợ giá và vấn đề đánh bắt cá vẫn còn tồn tại giữa hai bên. Ông Forst cho rằng “những tồn tại khác biệt giữa hai bên thuộc những vấn đề căn bản đối với vị thế tương lai của đất nước độc lập”. Trong phát biểu sau vòng đàm phán nói trên, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã “đá quả bóng trách nhiệm” về phía EU, khi tuyên bố rằng hai bên có thể đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit hay không là tùy thuộc phía EU. Thủ tướng Anh cũng kêu gọi EU hãy dựa trên nhận thức chung để đưa ra cho phía Anh một thỏa thuận tương tự thỏa thuận mà EU đã có với Canada.

Trong bối cảnh khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại với EU hậu Brexit là vô cùng mong manh, gần đây nước Anh đã gia tăng các nỗ lực chuẩn bị cho một kịch bản rời “mái nhà chung” châu Âu mà không có thỏa thuận thương mại. Trong động thái mới nhất, Chính phủ Anh thông báo thiết lập quỹ 200 triệu bảng Anh (tương đương 250 triệu USD) để xây dựng hạ tầng cảng biển mới, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc Anh rời liên minh hải quan chung của EU. 

Trong một phát biểu với báo giới, Chánh Văn phòng Chính phủ Anh Michael Gove nhấn mạnh: “Chỉ còn ba tháng nữa là kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, các doanh nghiệp cần chuẩn bị ngay từ bây giờ cho các thủ tục mới sẽ được áp dụng dù có đạt thỏa thuận thương mại với EU hay không, để chúng ta có thể nắm bắt các cơ hội lớn phía trước”. Trước đó, Hạ viện Anh  đã thông qua Dự luật Thị trường nội địa nhằm kiểm soát thị trường nội địa nước này hậu Brexit, bất chấp lời đe dọa có hành động pháp lý từ EU. 

Tình hình trên cho thấy, việc Anh và EU đạt được một thỏa thuận thương mại trong tháng 10 này có khả năng là “nhiệm vụ bất khả thi”. Trưởng đoàn đàm phán của Anh David Frost cuối tuần qua đã lên tiếng bày tỏ quan ngại, Anh và EU “không đủ thời gian” để có thể đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit trước Hội nghị cấp cao EU dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15-10 tới. Nếu hai bên không thể đạt thỏa thuận đúng hạn chót thì mối quan hệ thương mại song phương giữa EU và London sẽ được định hình theo các tiêu chuẩn tối thiểu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), với những mức thuế quan cao và nguy cơ bị gián đoạn nghiêm trọng.