Tranh cãi về dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks

Một thẩm phán tại Anh mới đây ra phán quyết bác yêu cầu dẫn độ nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks, Julian Assange (trong ảnh) sang Mỹ để đối mặt các cáo buộc hoạt động gián điệp và âm mưu thâm nhập các máy tính của chính phủ. Tuy nhiên, các công tố viên Mỹ tuyên bố sẽ kháng cáo phán quyết nói trên.

Ảnh: AP
Ảnh: AP

Trong phiên tòa ngày 4-1 vừa qua, Thẩm phán Vanessa Baraitser của Tòa án hình sự Old Bailey ở Thủ đô London (Anh) đã bác bỏ yêu cầu dẫn độ ông Assange sang Mỹ. Theo bà Baraiyser, dù phía Mỹ “bảo đảm bị cáo Assange sẽ được xét xử công bằng” trong trường hợp bị dẫn độ sang Mỹ, tuy nhiên bà vẫn lo ngại “các biện pháp đặc biệt” được áp dụng cho ông Assange rất có thể sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của người này. Trong phán quyết được đăng tải trực tuyến, Thẩm phán Baraitser cho rằng, “điều kiện khắc nghiệt” trong quá trình dẫn độ có thể dẫn đến việc bị cáo cố gắng tự sát. 

Trước đó, ông Assange đã bị các công tố viên Mỹ cáo buộc 18 tội danh liên quan hoạt động gián điệp, xâm phạm hệ thống máy tính của Chính phủ Mỹ, công bố 500.000 tài liệu mật của quân đội Mỹ trên trang mạng WikiLeaks do ông này sáng lập. Các cáo buộc có thể khiến ông Assange đối mặt mức án cao nhất lên tới 175 năm tù.

Trước những cáo buộc nhắm vào ông Assange, các luật sư của ông cho rằng, thân chủ của họ hành động như một nhà báo và được hưởng quyền bảo vệ tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ khi công bố những tài liệu rò rỉ, vốn phơi bày những hành vi sai trái của quân đội Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Luật sư của ông Assange cho biết, sẽ nộp đơn xin tại ngoại cho thân chủ của họ trong thời gian chờ kháng cáo.

Trong suốt phiên tòa tại Anh, luật sư biện hộ của ông Assange cũng liên tục cho rằng, việc dẫn độ và xét xử thân chủ của họ là có “động cơ chính trị”, “trong một giai đoạn có một không hai của lịch sử Mỹ, dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump”. Tuy nhiên, Thẩm phán Baraitser cho biết, không có đủ bằng chứng để khẳng định các cáo buộc được đưa ra dưới sức ép của chính quyền ông Trump.

Sau khi phán quyết không dẫn độ người sáng lập WikiLeaks được công bố, Tổng thống Mexico, Lopez Obrador bày tỏ ủng hộ quyết định từ chối dẫn độ ông Assange sang Mỹ của bà Baraitser, đồng thời khẳng định sẵn sàng cấp quy chế tị nạn chính trị cho người sáng lập WikiLeaks. Phát biểu ý kiến với giới truyền thông, ông Lopez Obrador nhấn mạnh: “Julian Assange là một nhà báo và xứng đáng có một cơ hội, tôi ủng hộ việc tha thứ cho ông ấy. Chúng tôi sẽ bảo vệ ông ấy”.

Về phía Mỹ, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp nước này cho biết, Mỹ “vô cùng thất vọng” trước phán quyết của Thẩm phán Baraitser. Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ: “Mặc dù vậy, chúng tôi tin rằng, Mỹ sẽ thắng thế. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách dẫn độ Assange tới Mỹ”.

Trong khi đó, cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden hy vọng việc Anh bác bỏ yêu cầu dẫn độ ông Assange sang Mỹ sẽ đặt “dấu chấm hết” cho những nỗ lực của Chính phủ Mỹ buộc ông Assange phải đối mặt cáo buộc hoạt động gián điệp. Ông Snowden cũng bị truy nã ở Mỹ với các cáo buộc tương tự sau khi làm rò rỉ thông tin cho thấy các đặc vụ từ Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Chính phủ Mỹ thu thập thông tin điện thoại, tin nhắn của hàng triệu công dân nước này. Từ năm 2013, ông Snowden phải sống lưu vong ở Nga.

Ông Julian Assange, 49 tuổi, người Australia, hiện bị giam giữ tại nhà tù Belmarsh ở London trong khi chờ phán quyết về yêu cầu dẫn độ sang Mỹ. Ông Assange bị bắt giữ lần đầu tại Anh vào tháng 12-2010. Hai năm sau, khi đang được bảo lãnh tại ngoại, ông Assange đã xin tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở Thủ đô London và lưu lại đại sứ quán này trong bảy năm. Tuy nhiên, ông Assange bị cảnh sát Anh bắt giữ vào tháng 4-2019 với tội danh bỏ trốn trong thời gian tại ngoại sau khi Ecuador bãi bỏ quy chế tị nạn đối với ông này. Washington sau đó đã chính thức gửi yêu cầu tới London đề nghị dẫn độ ông Assange về Mỹ. Tuy nhiên đến nay, tranh cãi giữa Mỹ và Anh về việc dẫn độ Julian Assange vẫn chưa đến hồi kết và số phận của nhà sáng lập WikiLeaks do đó vẫn chưa thể được định đoạt.