Nữ Tổng giám đốc đầu tiên của WTO

Người phát ngôn của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mới đây thông báo, tổ chức này sẽ lần đầu có một Tổng giám đốc là phụ nữ, sau khi vòng cuối cùng của cuộc đua vào vị trí này chỉ còn lại hai ứng cử viên là bà Ngozi Okonjo-Iweala của Nigeria và bà Yoo Myung-hee của Hàn Quốc.

Hai ứng cử viên Yoo Myung-hee (trái) và Okonjo-Iweala. Ảnh: BUSINESS POST
Hai ứng cử viên Yoo Myung-hee (trái) và Okonjo-Iweala. Ảnh: BUSINESS POST

Theo CNN, quá trình lựa chọn tân Tổng Giám đốc WTO bắt đầu từ ngày 14-5 vừa qua, khi ông Roberto Azevedo thông báo từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ một năm. Sau vòng tham vấn thứ hai vừa diễn ra nhằm chọn người thay thế ông Azevedo, các ứng cử viên gồm Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox, Quốc vụ khanh phụ trách Thể thao, Văn hóa và Di sản Kenya Amina C.Mohamed và ứng cử viên Mohammed Maziad Al-Tuwaijri của Saudi Arabia đã bị loại khỏi cuộc đua. Như vậy, chỉ còn lại hai ứng cử viên là bà Ngozi Okonjo-Iweala và bà Yoo Myung-hee. Người chiến thắng sẽ được quyết định theo các lá phiếu trong vòng tham vấn tiếp theo dự kiến kéo dài đến hết ngày 27-10 tới.

Ứng cử viên Okonjo-Iweala, 66 tuổi, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy chính trị tại Nigeria cũng như các tổ chức uy tín thế giới. Bà là nữ Bộ trưởng Tài chính và nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Nigeria. Bà cũng từng đảm đương chức vụ giám đốc nhiều chương trình của Ngân hàng Thế giới (WB) và có tới 25 năm làm việc cho tổ chức này. Bà đã góp phần giúp nền kinh tế lớn nhất châu Phi tăng trưởng trung bình 6%/năm trong ba năm liên tiếp và cũng đóng góp vào chương trình cải thiện tính minh bạch của chính phủ và ổn định kinh tế.

Trong chiến dịch tranh cử vào vị trí người đứng đầu WTO, bà Okonjo-Iweala đánh giá thương mại sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phục hồi kinh tế do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. “Do đó, WTO cần một cái nhìn mới mẻ, một bộ mặt tươi mới. Cần một người có khả năng thực hiện cải cách và làm việc với các thành viên để bảo đảm WTO sẽ thoát khỏi tình trạng tê liệt cục bộ như hiện nay”, bà cho biết.

Trong khi đó, đối thủ của bà Okonjo-Iweala, bà Yoo Myung-hee, 53 tuổi, hiện là nữ Bộ trưởng Thương mại của Hàn Quốc. Bà đã thành công trong đàm phán thương mại với nhiều nước, đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc. Trong giai đoạn 2007 - 2010, bà đảm nhiệm vai trò là Đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử vào vị trí Tổng Giám đốc WTO, bà Yoo tuyên bố sẽ cải tổ WTO bằng cách khôi phục và củng cố các hệ thống đa phương. Với kinh nghiệm đàm phán với Mỹ và thời gian làm việc ở Trung Quốc, bà Yoo tự tin có thể làm trung gian giữa những xung đột thương mại giữa hai quốc gia thành viên quyền lực nhất này. Nếu được bầu, bà Yoo sẽ là người châu Á thứ hai đứng đầu WTO, sau ông Supachai Panitchpakdi (Thái-lan).

Bà Yoo mô tả WTO hiện “ở ngã ba đường”, khi cho biết nền kinh tế toàn cầu đang bị căng thẳng tột độ do các cuộc chiến thương mại cũng như tác động của Covid-19. Đây chính là lý do tại sao WTO quan trọng hơn bao giờ hết. Các quốc gia thành viên cần phải xây dựng lại lòng tin và cải tổ hệ thống thương mại toàn cầu. 

Theo CNN, cuộc bầu chọn người đứng đầu WTO diễn ra trong bối cảnh tổ chức này đang chịu sức ép lớn từ Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua đã nhiều lần chỉ trích WTO và làm suy yếu sứ mệnh của tổ chức này bằng cách áp đặt thuế quan lên các đồng minh của Mỹ bao gồm Canada và Mexico, cũng như cáo buộc WTO đối xử bất công với Mỹ khi ưu ái Trung Quốc và Ấn Độ. Trước đó, ông Trump đã chặn việc bổ nhiệm nhân sự vào các vị trí chủ chốt của WTO, gây khó khăn cho hoạt động của tổ chức này.

Giới phân tích cho rằng, dù ai chiến thắng trong cuộc đua vào vị trí người đứng đầu WTO, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ bốn năm tới chắc chắn sẽ rất nặng nề. Không chỉ hỗ trợ các quốc gia giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra, tổ chức này còn phải khắc phục những bất đồng sâu sắc với chính quyền Mỹ, đặc biệt nếu ông Donald Trump, người có quan điểm rất cứng rắn với WTO, tái đắc cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.