Giáo viên xuất sắc nhất thế giới

Trong Diễn đàn Kỹ năng & Giáo dục toàn cầu diễn ra ngày 23-3 vừa qua tại Dubai (UAE), thầy Peter Tabichi, giáo viên khoa học người Kenya đã vinh dự nhận giải thưởng “Giáo viên toàn cầu” năm 2019. Sự cống hiến, tinh thần làm việc chăm chỉ và niềm tin mãnh liệt vào mỗi học sinh của thầy đã giúp ngôi trường vùng nông thôn hẻo lánh Kenya trở thành một trong những trường tốt nhất nước, mở ra cơ hội về một tương lai tươi sáng cho các học sinh nghèo nơi đây.

Thầy giáo Peter Tabichi (bên trái). Ảnh: GULF NEWS
Thầy giáo Peter Tabichi (bên trái). Ảnh: GULF NEWS

Được so sánh như “Giải Nobel” trong lĩnh vực giáo dục, giải thưởng “Giáo viên toàn cầu” trị giá một triệu USD được Quỹ Varkey Foundation (Anh) trao tặng thường niên dành cho giáo viên có đóng góp xuất sắc nhất cho ngành giáo dục. Vượt qua hơn 10.000 ứng viên, thầy Peter Tabichi (36 tuổi) đã được trao giải thưởng “Giáo viên xuất sắc nhất thế giới năm 2019” vì những cống hiến nổi bật của mình cho học sinh nghèo Kenya.

Thầy Peter Tabichi giảng dạy tại Trường trung học Keriko của làng Pwani, một vùng xa xôi, khô cằn thuộc thung lũng Rift của Kenya. Cuộc sống của gia đình các em học sinh tại đây hết sức khó khăn vì khu vực này thường xuyên xảy ra hạn hán và nạn đói. Có tới 95% số học sinh đến từ các gia đình nghèo, gần một phần ba trong số đó là trẻ mồ côi cha hoặc mẹ. Chính vì thế, những tệ nạn xã hội như sử dụng ma túy, mang thai ở tuổi vị thành niên, bỏ học sớm, kết hôn trẻ hoặc tự tử là những mối đe dọa phổ biến với các em.

Trong bối cảnh đó, theo đuổi việc học hành là hy vọng lớn nhất dành cho tương lai của các em học sinh Trường Keriko. Tuy nhiên, do số lượng quá đông nên các em phải chấp nhận học trong các phòng học đã xuống cấp, chật hẹp. Trong trường chỉ có duy nhất một máy tính với kết nối internet tốc độ thấp và mỗi giáo viên phải dạy lớp có sĩ số hơn 60 học sinh. Chưa kể hầu hết các em phải đi bộ trung bình 7 km để đi học. Vào mùa mưa, các con đường trở nên lầy lội khiến việc đi học càng trở nên khó khăn hơn.

Tất cả những thách thức đó không làm thầy Peter Tabichi và các học trò nản lòng. Thành lập câu lạc bộ nuôi dưỡng tài năng và sau đó mở rộng thành câu lạc bộ khoa học, thầy Peter đã giúp học sinh tự thiết kế các dự án nghiên cứu có chất lượng tốt, đến mức có tới 60% số dự án đủ điều kiện tham gia các cuộc thi quốc gia. Thầy Peter còn hướng dẫn học sinh tham gia Hội chợ Khoa học & Kỹ thuật Kenya năm 2018 với dự án về thiết bị giúp người khiếm thị và khiếm thính đo lường các vật thể. Không dừng lại ở đó, các học trò của thầy Peter cũng đã giành được giải thưởng từ Hiệp hội Hóa học Hoàng gia (Anh) sau khi khai thác các loại thực vật địa phương để tạo ra điện. Nhóm Toán học của trường cũng đủ điều kiện và đang chuẩn bị tham gia Hội chợ Khoa học & Kỹ thuật Quốc tế (INTEL) 2019 tại bang Arizona (Mỹ).

Những thành công đó có sự đóng góp không nhỏ từ phương pháp giảng dạy và tinh thần tận tâm của thầy Peter. Ngoài việc nâng đỡ các học sinh giỏi phát triển khả năng, thầy Peter cùng bốn đồng nghiệp khác thường xuyên mở lớp dạy thêm ngoài giờ cho các học sinh kém môn Toán và Khoa học vào cuối tuần. Để giúp đỡ học sinh nghèo, thầy Peter còn tự nguyện trích 80% lương của mình mua sách vở, tạo điều kiện cho các em tiếp tục đi học.

Thầy Peter thường xuyên tới thăm học sinh tại nhà và gặp gỡ gia đình để tháo gỡ những khó khăn mà các em gặp phải. Người thầy tận tâm cũng cố gắng thay đổi suy nghĩ của người dân về hủ tục tảo hôn và khuyến khích phụ huynh cho phép các bé gái đi học. Thông qua đó, số lượng học sinh ghi danh nhập học đã tăng gấp đôi, lên 400 em trong vòng ba năm, và số trường hợp nghỉ học giảm từ 30 em xuống chỉ còn ba em mỗi tuần ở thời điểm hiện tại. Năm 2017, cả trường chỉ có 16 trong tổng số 59 học sinh vào đại học, nhưng tới năm 2018 số lượng các em vào đại học và cao đẳng đã là 26 học sinh.

Sau khi nhận giải, thầy Peter bày tỏ nguyện vọng sử dụng phần lớn tiền thưởng để nâng cấp các ngôi trường làng và giúp các em học sinh nghèo, không chỉ ở Kenya mà cả châu Phi.