“Đội quân y tế” của châu Âu

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm phòng, chống dịch bệnh châu Âu (ECDC), tính đến ngày 23-6, trên toàn thế giới đã có hơn 9,1 triệu trường hợp nhiễm Covid-19 và hơn 470.000 người tử vong. Trong đó, châu Âu vẫn là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 2,3 triệu ca nhiễm bệnh. Trước tình hình đó, các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) đã chuẩn bị một đội ngũ y, bác sĩ nhằm đối phó làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.

Các nước châu Âu đang tích cực đào tạo đội ngũ y tế phòng dịch. Ảnh: EPA-EFE
Các nước châu Âu đang tích cực đào tạo đội ngũ y tế phòng dịch. Ảnh: EPA-EFE

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và những số liệu mới nhất của ECDC cho thấy đại dịch Covid-19 đã bước sang “giai đoạn mới và nguy hiểm”. Trong bối cảnh các nước thành viên EU đã bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, bà Andrea Ammon, Giám đốc ECDC bày tỏ lo ngại: “Tình hình dịch bệnh có thể căng thẳng trở lại khi tinh thần cảnh giác, phòng dịch đang đi xuống. Nhiều người nghĩ rằng, Covid-19 đã kết thúc trong khi thực tế thì hoàn toàn trái ngược”. ECDC đã khuyến cáo các chính phủ tăng cường cả năng lực dịch vụ y tế lẫn số lượng đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên chăm sóc sức khỏe nhằm ứng phó hiệu quả đợt bùng phát dịch thứ hai.

Cụ thể, các bệnh viện trước hết phải có sự chuẩn bị cơ sở vật chất như thuốc, giường bệnh… nhằm bảo đảm khả năng ứng phó tình trạng tăng đột biến bệnh nhân hoặc các trường hợp cần chăm sóc đặc biệt. Ông Maurizio Cecconi, Chủ tịch Hiệp hội Y học chăm sóc chuyên sâu châu Âu (ESICM) cho rằng, cần phải lập ra một lực lượng chuyên nghiệp, bao gồm các chuyên gia y tế sẵn sàng triển khai tới bất cứ địa điểm nào có nguy cơ bùng phát dịch.

Để thực hiện mục tiêu này, lãnh đạo ngành y tế tại “lục địa già” đã có kế hoạch hỗ trợ cơ sở y tế tại những địa phương có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Pháp, Đức, Italia... Cụ thể, các bệnh viện sẽ được cung cấp thêm giường, thiết bị y tế cần thiết và thuốc. Thậm chí, một số bệnh viện mới sẽ được xây dựng tại các khu vực được xem là “điểm nóng” của đợt bùng dịch đầu tiên. Một số đơn vị chăm sóc y tế nổi tiếng như Trung tâm y tế lâm sàng của Đại học Debrecen (Hungary), Trung tâm y tế của Đại học Utrecht và Trung tâm y tế Erasmus của TP Rotterdam (Hà Lan) đã tổ chức nhiều khóa học về kiến thức phòng, chống dịch nhằm đào tạo thêm nhân viên y tế, tránh tình trạng thiếu nhân lực nếu có một đợt dịch thứ hai bùng phát. “Chúng ta có thể cần tới một “đội quân” chăm sóc sức khỏe, bao gồm tất cả bác sĩ từ khắp nơi trên thế giới, những người trực tiếp làm việc tại các địa phương có những bệnh nhân nhiễm bệnh để đối phó đợt dịch tiếp theo”, ông Cecconi nói.

Theo Hiệp hội Chăm sóc sức khỏe chuyên sâu Italia (SIAARTI), nước này cần thêm 50% số bác sĩ gây mê, hồi sức và các chuyên gia y tế khác để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực trong đợt dịch trước. Bởi vậy, hiện các bệnh viện nước này đã tiến hành bổ túc thêm cho bác sĩ và y tá từ những khoa khác, từ đó có thể chuyển đến các đơn vị chăm sóc tích cực khi cần thiết. Ngoài ra, một lượng lớn sinh viên y khoa cũng sẵn sàng tham gia tuyến đầu trong trường hợp nhân lực bệnh viện bị thiếu hụt. Bởi vậy, theo ý kiến của SIAARTI, các sinh viên y khoa chuyên về lĩnh vực y tế chuyên sâu nên được thực tập toàn thời gian tại địa phương trong hai năm cuối đại học. Đồng thời, tổ chức này còn đề nghị chính phủ có sự hỗ trợ tài chính để thu hút nhiều sinh viên y khoa có năng lực hơn.

Ngoài việc tuyển dụng và đào tạo mới nhân viên y tế, ông Jozef Kesecioglu, Trưởng khoa Chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm y tế của Đại học Utrecht (Hà Lan) cho rằng, cần đào tạo thêm kiến thức về Covid-19 cho những nhân viên y tế đã có kinh nghiệm. “Nhiều người đã tham gia các khóa học về cách xử lý bệnh nhân Covid-19. Đối với những người mới, chúng tôi giao cho họ những công việc đỡ phức tạp hơn, như vệ sinh cho bệnh nhân, xoay chuyển người bệnh, khám phổi hoặc kiểm tra hình ảnh y khoa. Trong khi đó, các nhân viên chăm sóc tích cực có kinh nghiệm vẫn thực hiện những công việc khó hơn, chẳng hạn như điều chỉnh máy thở”, ông Kesecioglu cho biết.

Với những sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, giới chức y tế châu Âu hy vọng sẽ không còn lặp lại tình thế bị động như khi mới bùng phát dịch, mà thiết lập tư thế “sẵn sàng chiến đấu” với dịch ở mức độ cao nhất.