Tháo gỡ khó khăn, giúp phụ nữ khởi nghiệp

Tại Việt Nam, doanh nhân nữ đang đóng góp khoảng 30% GDP cho đất nước, tạo việc làm cho khoảng 30% lực lượng lao động, nhất là lao động nữ. Tuy nhiên, các hoạt động khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp của nữ giới vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, cần xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ, vườn ươm cũng như kết nối để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Kinh doanh rau an toàn thu hút phụ nữ nhiều địa phương tham gia.
Kinh doanh rau an toàn thu hút phụ nữ nhiều địa phương tham gia.

Mong muốn khởi nghiệp

Hiện nay, phụ nữ chiếm gần 50% lực lượng lao động, điều hành và quản lý hơn 60% trong tổng số hơn bốn triệu hộ kinh tế gia đình ở nông thôn, 28% trong tổng số doanh nghiệp. Kết quả điều tra giai đoạn 2017 – 2018 về nhận thức, dự định khởi nghiệp của phụ nữ do TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam công bố tại Diễn đàn “Phụ nữ khởi nghiệp: Sáng tạo và kết nối” diễn ra mới đây, trong số hơn 1.700 phụ nữ trên toàn quốc tham gia khảo sát, khoảng 25% số ý kiến bày tỏ mong muốn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.

Nhìn lại chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015 - 2016 (GEM) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ tham gia khởi nghiệp là 15,5%, cao hơn nam giới (11,6%). Mục đích của phụ nữ khi khởi nghiệp thường vì nhu cầu thiết yếu nhiều hơn. Phần lớn các hoạt động kinh doanh của phụ nữ ở quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ, chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và phạm vi kinh doanh hẹp. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà thừa nhận, doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô lớn ở Việt Nam chỉ chiếm 19,8%.

Hiện nay, đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” đã được Chính phủ thông qua, với nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo, phát triển khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Tuy nhiên, để phát triển các ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp, phụ nữ vẫn gặp không ít khó khăn do định kiến về trách nhiệm của phụ nữ trong công việc gia đình, thiếu kênh kết nối để hỗ trợ chuyên môn, tìm kiếm nhà đầu tư, sự hỗ trợ về chính sách cũng như tạo điều kiện kinh doanh từ chính quyền địa phương, gia đình…

Tạo nhiều mạng lưới hỗ trợ

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam xác định mục tiêu từ năm 2020, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt từ 35% trở lên. Mục tiêu đến năm 2025, khoảng 20.000 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Bàn về kinh nghiệm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của phụ nữ, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Nienke Trooster chia sẻ, tại Hà Lan, nhiều sáng kiến như phát động cuộc thi, diễn đàn, sáng kiến đối tác công - tư độc lập với sự tham gia của phụ nữ hoặc phát triển mạng lưới của phụ nữ… đã được tổ chức.

Tại “quốc gia khởi nghiệp” Israel, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam, ông Doron Lebovich cho biết, chính quyền, tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và cộng đồng đều có những thay đổi để thúc đẩy phụ nữ chủ động hơn trong qua trình khởi nghiệp. Trong đó có chính sách thay đổi thời gian làm việc, cho phép phụ nữ làm việc tại nhà, hỗ trợ chồng khi phụ nữ đi học tại nước ngoài. Bên cạnh quy định về tỷ lệ nữ trong các cơ quan tổ chức, nhà nước còn cung cấp khoản tiền hỗ trợ phụ nữ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các chương trình giáo dục khởi nghiệp cho phụ nữ cũng được lồng ghép từ khi học trung học, như việc dạy khoa học ngoại khóa, tổ chức chương trình nhà khoa học tương lai gặp gỡ các nhà khoa học nữ…

Các công ty tư nhân tại Israel như Intel, IBM có các chương trình khuyến khích học sinh nữ học toán và khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học tại viện công nghệ, trại hè, lớp học cá nhân. Đặc biệt, cộng đồng khởi nghiệp cũng tự kết nối, chia sẻ kinh nghiệm với nhau hoặc thông qua các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp và mô hình tăng tốc khởi nghiệp dành cho nữ.

Tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ tham gia các vườn ươm khởi nghiệp, mạng lưới doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, việc kết nối cộng đồng khởi nghiệp rất quan trọng, do đó, cần thêm nhiều vườn ươm, cộng đồng khởi nghiệp để phụ nữ có thể chia sẻ cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ của các chuyên gia về công nghệ và thị trường, kết nối với các ngân hàng, nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm… để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình.