Sẵn sàng đóng góp vì hòa bình thế giới

Chỉ còn ít ngày nữa, Việt Nam sẽ chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ trong tháng 1-2020, trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực tại cơ quan này. Tham gia HĐBA, Việt Nam có cơ hội đóng góp vào công việc chung, thúc đẩy an ninh, hòa bình và ổn định ở khu vực và thế giới.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung (giữa) phát biểu ý kiến tại họp báo.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung (giữa) phát biểu ý kiến tại họp báo.

Tại buổi họp báo quốc tế do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 12-12 tại Hà Nội­­­, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh, việc Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020 - 2021, với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu), thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với tiến trình hội nhập, cũng như những đóng góp của Việt Nam vào duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh quốc tế. Việt Nam tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế.

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của LHQ năm 1977, đánh dấu sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ. Trong hơn 40 năm qua, Việt Nam luôn coi hợp tác với LHQ là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008 - 2009, Việt Nam đã thể hiện sự tham gia chủ động, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp xây dựng vì một thế giới hòa bình và phát triển.

Tham gia HĐBA nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam tiếp tục có cơ hội đóng góp thúc đẩy phát huy vai trò hàng đầu và nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐBA trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, ngăn ngừa xung đột, giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng... đồng thời thúc đẩy một số vấn đề mà các nước, nhóm nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương quan tâm, như bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang, tái thiết sau xung đột...

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên HĐBA trong tháng 1-2020 và tháng 4-2021. Chia sẻ về những ưu tiên thảo luận khi giữ vai trò Chủ tịch luân phiên HĐBA trong tháng 1-2020, Thứ trưởng cho biết, Việt Nam sẽ chủ trì các cuộc họp, trong đó có cuộc thảo luận mở cấp bộ trưởng với chủ đề kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ; về tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế... Tháng 4-2021, chương trình nghị sự sẽ tập trung thảo luận về vấn đề sau xung đột, giải quyết hậu quả bom mìn, các vấn đề về nhân đạo, phụ nữ và trẻ em...

Có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều quốc gia trên thế giới được coi là tiền đề thuận lợi để Việt Nam tiếp tục triển khai các sáng kiến thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển thời gian tới. Tuy nhiên, việc các nước lớn có xu hướng chia rẽ, chủ nghĩa đa phương gặp nhiều thách thức, khiến nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA tới đây của Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi năng lực khéo léo xử lý các vấn đề khác biệt giữa các thành viên, nhất là các nước lớn. Đó là những điều mà Việt Nam đã thể hiện xuất sắc trong nhiệm kỳ 2008 - 2009.

Một trong những mục tiêu khi tham gia HĐBA của Việt Nam là phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan này trong việc thúc đẩy hòa bình trong khu vực, tạo môi trường quốc tế ổn định. Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, một nền hòa bình bền vững sẽ tạo thuận lợi để Việt Nam tiếp tục phát triển. Việt Nam có cơ hội thúc đẩy quan hệ với các nước, tổ chức khu vực và quốc tế, từ đó giúp tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Đồng hồ đang đếm ngược đến thời điểm Việt Nam chính thức ngồi vào ghế điều hành tại HĐBA LHQ. Các bộ, ban, ngành Việt Nam đã triển khai nhiều công việc, trong đó có rà soát và xây dựng hồ sơ về từng vấn đề trong chương trình nghị sự; xây dựng cơ chế phối hợp, tham vấn liên ngành trong xử lý công việc của Việt Nam trong HĐBA. Chỉ có sáu tháng để chuẩn bị từ tháng 6-2019, thời điểm được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA, song có thể nói đến nay Việt Nam đã sẵn sàng cho những nhiệm vụ lớn lao trước mắt.