Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tuyên bố sẽ “không cần sớm cắt giảm lãi suất” nếu nền kinh tế đầu tàu thế giới tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng như hiện tại, trong khi Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích và hối thúc FED giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ.

Nguồn: WSJ
Nguồn: WSJ

Hôm 3-9, ông Eric Rosengren, một thành viên có quyền bỏ phiếu trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED tuyên bố, FED sẽ không cần sớm cắt giảm lãi suất nếu nền kinh tế số một thế giới tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng như hiện tại. Ông Rosengren đã thừa nhận những rủi ro cho nền kinh tế Mỹ đang tăng lên, bao gồm những vấn đề liên quan thương mại và tình hình địa - chính trị diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn ở mức thấp, chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh mẽ, tăng trưởng GDP ổn định ở quanh mức 2%, lạm phát dưới mức mục tiêu của FED và tăng trưởng lương ở mức tương đối. Đó là cơ sở để FED không vội giảm lãi suất.

Phát ngôn nêu trên được đưa ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang gần đây đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ nhiều phen “đỏ lửa” và giới đầu tư hy vọng FED sẽ ra quyết định giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách vào ngày 17 và 18-9 tới. Trong khi đó, “ông chủ” Nhà trắng gần đây cũng nhiều lần gây sức ép yêu cầu Chủ tịch FED Jerome Powell phải cắt giảm lãi suất ngân hàng. Trên mạng xã hội Twitter mới đây, Tổng thống Trump cho rằng FED đã “không làm gì” để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.

Nhìn bề ngoài, phản ứng trái chiều giữa lãnh đạo FED và Tổng thống Trump cho thấy nội bộ Mỹ đang “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong chính sách tài chính. Tuy nhiên, phản ứng của FED trái với ý muốn của Tổng thống Trump nên được nhìn nhận là “tín hiệu tốt” của kinh tế Mỹ, bởi một khi FED chưa giảm lãi suất, điều đó chứng tỏ “sức khỏe” của nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn tương đối tốt. Bên cạnh đó, việc FED vẫn giữ được tính độc lập với Nhà trắng và “cái đầu lạnh” trong toan tính chính sách tài chính là có lợi cho nước Mỹ. Nếu các quyết sách của FED bị cuốn theo ý muốn của Nhà trắng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc gay gắt như hiện nay, rất có thể kinh tế Mỹ và thế giới bị đẩy vào các vòng xoáy rủi ro.