Chậm mục tiêu miễn dịch cộng đồng

Một số quốc gia Trung Đông đang có tốc độ tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 thuộc hàng nhanh nhất thế giới, cũng như triển khai tiêm phòng đại trà đứng đầu khu vực. Tuy nhiên, thành tích này lại phơi bày tình trạng chênh lệch giàu - nghèo một cách rõ rệt.

Biếm họa của RODRIGO DE MATOS
Biếm họa của RODRIGO DE MATOS

Theo AP, các nước giàu ở Trung Đông như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait, Barain và Oman là những quốc gia triển khai tiêm vaccine Covid-19 đại trà sớm nhất trong khu vực. Mục tiêu mà các quốc gia đặt ra là phải tiêm phòng vaccine được ít nhất cho 70% dân số, từ đó tạo miễn dịch cộng đồng. Ngoài ra, hiện ba quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cao nhất thế giới đều ở Trung Đông, gồm Israel, UAE và Bahrain. Đặc biệt, Israel thậm chí còn đặt mục tiêu sẽ có thể tiêm phòng cho phần lớn dân số trước cuối tháng 3 tới.

Thế nhưng, phía sau tốc độ hay quy mô tiêm phòng vaccine ấn tượng nói trên lại là một thực trạng đáng suy nghĩ, đó là các nước nghèo hơn ở khu vực đang ngày càng khó có cơ hội tiếp cận vaccine. Trên thực tế, do tiềm lực tài chính dồi dào nên các quốc gia giàu có ở Trung Đông dễ dàng mua số lượng lớn vaccine để tiêm phòng cho người dân, bất chấp số người nhiễm Covid-19 không nhiều như ở các nước nghèo. Thí dụ như UAE, nơi dân số là 10 triệu người nhưng đến nay đã có hai triệu người được tiêm phòng.

Trong khi đó, những quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Yemen và Syria, hay hứng chịu khủng hoảng kinh tế như Lebanon hay Jordan, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng vẫn phải đối mặt các mốc thời gian và kế hoạch phân phối vaccine thiếu chi tiết, không rõ ràng. Đến nay, Lebanon đang đứng đầu khu vực về tỷ lệ mắc Covid-19, song quốc gia này vẫn chưa có kế hoạch tiêm phòng cụ thể nào do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính kéo dài. Trong khi đó, Iraq, Syria và Jordan vẫn lúng túng trong việc mua sắm và phân phối vaccine, ngay cả khi có sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế.

Tình trạng “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” nói trên khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải đưa ra cảnh báo, sự chênh lệch giàu - nghèo và khả năng tiếp cận vaccine Covid-19 không đồng đều có thể làm chậm mục tiêu miễn dịch cộng đồng và các quốc gia giàu có cần có sự giúp đỡ nhất định với những nước nghèo hơn trong khu vực.