Định danh hộ kinh doanh

Tại phiên thảo luận của Quốc hội (QH) về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), phần lớn đại biểu QH đã không tán thành việc đưa hộ kinh doanh (HKD) vào dự thảo luật mà đề xuất ban hành luật riêng để điều chỉnh về HKD. Trong khi bản chất pháp lý của HKD là doanh nghiệp (DN). Nếu vẫn cứ tiếp tục duy trì vai trò chủ thể HKD nguyên trạng sẽ không còn hợp lý, mà nên coi HKD là một loại hình DN một chủ trong nền kinh tế.

Hộ kinh doanh sẽ có điều kiện hưởng các quyền lợi, quy định hỗ trợ khi mô hình kinh doanh này được luật hóa. Ảnh: LAM ANH
Hộ kinh doanh sẽ có điều kiện hưởng các quyền lợi, quy định hỗ trợ khi mô hình kinh doanh này được luật hóa. Ảnh: LAM ANH

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện vẫn có hai loại ý kiến khác nhau về quy định đối tượng HKD vào dự thảo Luật DN. Thứ nhất, theo các ý kiến tán thành đưa quy định về HKD vào dự thảo luật như phương án Chính phủ đã trình QH tại Kỳ họp thứ 8, nội dung quy định về HKD tại dự thảo luật dựa trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký DN. Luật DN năm 1999, 2005 và năm 2014 cũng đã có điều khoản quy định về HKD và giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, xét về bản chất thì việc quy định một chương về HKD trong dự thảo luật chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về HKD. Đồng thời, việc quy định HKD trong dự thảo luật sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của HKD. Thứ hai, nhiều ý kiến đề nghị không quy định nội dung về HKD vào dự thảo luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về HKD, bởi việc đưa HKD vào dự thảo luật là không phù hợp, vì HKD không phải là DN nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật DN. HKD được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty CP.

Bên cạnh đó, những quy định về HKD tại dự thảo luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với HKD, mặt khác có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của HKD. Bên cạnh đó, chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho HKD, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của HKD. Vì vậy, việc quy định HKD trong dự thảo luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới. Hơn nữa, số lượng về đối tượng chịu tác động là HKD rất lớn.

Chia sẻ với mong muốn của ban soạn thảo về việc cần có địa vị pháp lý của HKD, song đại biểu (ĐB) Cao Đình Thưởng (đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) cho rằng, việc đưa HKD vào Luật DN lúc này là “đốt cháy giai đoạn”. Bởi bản chất HKD không phải là DN, mà là mô hình kinh doanh đặc thù. Việc đưa vào Luật DN có thể gây hiểu lầm, khiến cách áp dụng giữa các nơi rất khác nhau, thêm thủ tục và khó khăn hơn trong hoạt động.

ĐB Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) cũng cho rằng, không nên đưa HKD vào Luật DN mà cần ban hành luật riêng cho loại hình này. Bởi chúng ta đang có đến 5 triệu HKD, trong đó chỉ có 1,7 triệu HKD đang nộp thuế. Đây là số lượng rất lớn cần thiết phải có luật riêng để điều chỉnh. Còn hiện tại, quy định về HKD như dự thảo luật còn thiếu nhiều nội dung cần thiết về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của HKD. Đưa đối tượng HKD vào Dự luật DN là “không phù hợp” mà nên ban hành luật riêng. Còn quy định về HKD như dự thảo Luật còn thiếu rất nhiều nội dung cần thiết về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của HKD…

Ngược lại, kiên trì với ý kiến ủng hộ quan điểm đưa HKD vào Luật DN, ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) phân tích, việc đưa HKD vào Luật DN không phải để đưa ra con số DN cho đẹp mà xuất phát từ thực tiễn của nền kinh tế… Theo quy định Bộ luật Dân sự, các cá nhân trong HKD không có tư cách pháp nhân, mà chỉ có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh thông qua vai trò người đại diện. Trong khi bản chất pháp lý của HKD là DN. Nếu chúng ta vẫn cứ tiếp tục duy trì vai trò chủ thể HKD nguyên trạng như vậy sẽ không còn hợp lý, mà nên coi họ là một loại hình DN một chủ trong nền kinh tế.

Coi HKD như DN tư nhân, nhưng ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng, không đồng nghĩa “chủ HKD sau một đêm thành giám đốc”. Họ vẫn được áp dụng các quy định đặc thù như hiện nay về quản lý nhà nước, quản trị, kê khai, nộp thuế để không phát sinh thêm các chi phí và thủ tục hành chính phiền hà, mà vẫn tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các HKD.

Phát biểu ý kiến tiếp thu, giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các quan điểm ĐB nêu đều nhất trí với việc cần thiết luật hóa quy định về HKD. Tuy nhiên, ý kiến khác nhau là đưa HKD vào Luật DN hay làm luật riêng. Việc Chính phủ trình đưa ngay vào luật này là để khẳng định định danh của HKD mà hiện chưa được đưa vào luật. Qua đó, chúng ta có điều kiện để áp dụng các quyền lợi, quy định hỗ trợ của Chính phủ cho HKD; từ đó tháo bỏ các vướng mắc, giải phóng nguồn lực để phát triển HKD. Việc này không làm phát sinh thủ tục hành chính, không tác động tiêu cực đến HKD. Thực tế, có rất nhiều HKD quy mô lớn, hàng trăm lao động, doanh thu hàng nghìn tỷ đồng nhưng vẫn hoạt động theo quy định HKD. Hơn nữa, việc xây dựng luật về HKD sẽ mất rất nhiều thời gian, khoảng ba năm nữa mới xong. Việc Chính phủ trình đưa HKD vào Luật DN nhằm định danh cho họ, giúp họ có điều kiện hưởng các quyền lợi, quy định hỗ trợ của Chính phủ.