Cơ chế phù hợp cho nhà đầu tư

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam những tháng gần đây tăng mạnh so hồi đầu năm. Tuy nhiên, để thu hút được các nhà đầu tư (NĐT) lớn, dự án (DA) quan trọng, cần thiết kế được chính sách ưu đãi phù hợp.  Đặc biệt, phải hành động cụ thể và xác định đúng vấn đề xử lý khi các NĐT yêu cầu.

Dòng vốn FDI vào nước ta đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Ảnh: CTV
Dòng vốn FDI vào nước ta đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Ảnh: CTV

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến ngày 20-10-2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài vào Việt Nam đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện ước đạt 15,8 tỷ USD, bằng 97,5% so cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù thấp hơn so năm ngoái, song nhiều chuyên gia kinh tế vẫn giữ nhận định, tín hiệu đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn FDI vào nước ta đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Đặc biệt, kể từ khi Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt để thu hút FDI, cơ quan này đã làm việc rất tích cực với các NĐT. Đến nay, có nhiều doanh nghiệp (DN), tập đoàn đa quốc gia đã cam kết đầu tư hàng chục tỷ USD vào Việt Nam. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có những đột phá để thu hút FDI chất lượng cao, chứ không phải đại trà. Thực tế, dòng FDI vào Việt Nam phần lớn mới chỉ từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, gần đây là Trung Quốc, rất ít vốn đầu tư từ Mỹ, các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU).

Mặt khác, theo số liệu vừa được Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố mới đây, thì có nhiều điều cần lưu ý. Đó là, dòng vốn FDI toàn cầu đã suy giảm gần 50% trong sáu tháng đầu năm so cùng kỳ năm 2019 và dự kiến ở mức giảm 40% trong cả năm, song FDI vào châu Á đang phục hồi. Trong đó, Trung Quốc đang nổi lên là một điểm sáng. Đi ngược xu thế suy giảm chung, vốn FDI vào Trung Quốc vẫn tăng 2,5%, trong đó giá trị các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) tăng tới 84% so cùng kỳ năm 2019. Điều này chứng tỏ, sức hút của thị trường đông dân nhất thế giới vẫn rất mạnh mẽ, nên không dễ để các NĐT dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Cuộc đua cạnh tranh thu hút FDI trong “kỷ nguyên” Covid-19 vì thế càng khó khăn hơn. Nhiều NĐT vẫn muốn ở lại và tìm đến Trung Quốc. Trong khi đó, Indonesia, Thái-lan, Ấn Độ… cũng đang có những lời mời gọi hấp dẫn. Việt Nam, nếu không “tác chiến” nhanh, thì chuyện bỏ lỡ cơ hội là có thể.

Ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) trăn trở, những NĐT đến từ Mỹ, EU là những NĐT sử dụng công nghệ cao, phù hợp yêu cầu của chúng ta trong chuyển đổi tái cơ cấu. Vậy tại sao lại không có?

Theo ông Nguyễn Đình Cung, để thu hút FDI chất lượng cao, điều quan trọng nhất là phải xác định được mình muốn gì và thiết kế các gói chính sách theo dạng “may đo” cho từng đối tượng NĐT, chứ không phải là “may sẵn” cho tất cả các NĐT. Đặc biệt, phải hành động cụ thể và xác định đúng vấn đề xử lý khi các NĐT yêu cầu.

Thực tế, các chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành vẫn được áp dụng chung. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, Luật Đầu tư sửa đổi sẽ có hiệu lực, những quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt mới được nhắc đến. Theo quy định tại Điều 20, Luật Đầu tư 2020, Chính phủ sẽ quyết định việc áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt, nhằm khuyến khích thực hiện một số DA đầu tư có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Các ưu đãi này có thể vượt khung so quy định hiện hành.

Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu bình luận, trước đây, khi mời NĐT tới, luôn có một câu hỏi là liệu chúng ta “có gì” để nói với NĐT, thì câu trả lời là không, bởi tất cả đã được quy định rất rõ ràng trong các văn bản pháp luật. Còn bây giờ, có gói ưu đãi đầu tư đặc biệt, chúng ta có cái để thảo luận với NĐT, từ đó thu hút được các NĐT chất lượng. 

Trên thực tế, sau các thông tin về việc Chính phủ sẽ dành cho NĐT lớn các cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt, để đôi bên có thể đàm phán theo hướng “cùng có lợi”, lãnh đạo một DN nước ngoài đang có các DA quy mô lớn ở Việt Nam đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ.

Mặc dù vậy, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, hợp tác đầu tư nước ngoài là “win-win”, do đó sự “chọn lọc” ở Nghị quyết 50-NQ-TW của T.Ư về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 là gắn với tiêu chí công nghệ, môi trường, đặc biệt là cam kết hợp tác đưa DN Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Định hướng đặt ra rất rõ ràng và cơ hội đón làn sóng dịch chuyển là rất lớn, nhưng theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, đừng nghĩ “nhà ta tốt” thì họ sẽ vào, mà phải nỗ lực, nếu không họ sẽ tới các nước khác trong khu vực. Hiện nay, các nước cạnh tranh rất quyết liệt. Do vậy, để đón được dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, phải “tác chiến” với từng NĐT, từng DA, thay đổi cách xúc tiến đầu tư, để đôn đốc, thúc đẩy họ sớm ra quyết định đầu tư, chứ nếu không sẽ mất cơ hội. Bộ KH&ĐT đang phối hợp các bộ, ngành, để vừa nghiên cứu chính sách mà các “đối thủ” như: Thái-lan, Indonesia, Ấn Độ… đang làm, vừa thiết kế các gói chính sách riêng cho từng đối tượng NĐT, thay vì áp dụng cho tất cả. Bên cạnh chính sách đột phá thu hút FDI, giải pháp quan trọng để thu hút FDI có chất lượng chính là cải thiện trình độ DN trong nước, thúc đẩy liên kết DN trong nước với nhau, nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng của các tập đoàn lớn. Đây chính là những “cánh chim đầu đàn”, là các “đầu tàu” kéo nền kinh tế tăng trưởng.