Bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nợ công

Là nguồn lực bổ sung, bù đắp cho bội chi ngân sách (NS), nhưng nợ công cũng có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn nợ và an toàn tài chính quốc gia khi vượt giới hạn. Do vậy, việc kiểm soát chặt chẽ nợ công như xây dựng một giới hạn cho tỷ lệ nợ/ GDP, tỷ lệ nợ/ thu NS… có vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định nền tài chính quốc gia. Phóng viên Thời Nay đã có cuộc trao đổi ý kiến với ông Võ Hữu Hiển (trong ảnh), Phó Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) về vấn đề này.

Bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nợ công

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết tình trạng nợ công của Việt Nam hiện nay như thế nào?

Ông Võ Hữu Hiển (VHH): Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, quản lý nợ công (QLNC) trong những năm gần đây đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), ổn định vĩ mô và tăng cường hệ số tín nhiệm quốc gia. Chúng ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ huy động vốn vay với chi phí thấp gắn liền với mức độ rủi ro hợp lý để bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển KT-XH, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường (TT) vốn, TT trái phiếu trong nước. Việc kiểm soát hiệu quả, bảo đảm các chỉ tiêu về nợ nằm trong giới hạn cho phép.

Với chủ trương thực thi chính sách tài khóa thận trọng, tốc độ tăng quy mô nợ công đã giảm từ mức 18,1% giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn 8,2%/năm trong giai đoạn 2016 - 2018. Nợ công so GDP giảm từ mức 63,7% vào năm 2016 xuống còn 58,4% tính đến cuối năm 2018.

PV: Việc tái cơ cấu nợ công (TCCNC), nợ chính phủ đang được thực hiện theo hướng nào để bảo đảm nền tài chính an toàn bền vững, thưa ông?

Ông VHH: Trong thời gian qua, nhằm tiếp tục đẩy mạnh TCCNC theo đúng định hướng của cấp có thẩm quyền, Quốc hội (QH) và Chính phủ, Bộ Tài chính đã giảm dần tỷ trọng nợ nước ngoài, tập trung huy động vốn trong nước với lãi suất hợp lý, phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn dài để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Nhờ đó, thúc đẩy phát triển TT TPCP trong nước thông qua đa dạng hóa các sản phẩm và mở rộng cơ sở nhà đầu tư (NĐT) dài hạn, đồng thời siết chặt việc cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay mới, hạn chế rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng cho NSNN.

Mặt khác, cơ cấu nợ chính phủ có chuyển biến khả quan theo hướng giảm dần sự phụ thuộc các khoản vay nước ngoài. Tỷ trọng dư nợ trong nước hiện nay chiếm khoảng 62% nợ chính phủ (năm 2010, tỷ trọng này vào khoảng 40%). Kỳ hạn phát hành TPCP cũng được kéo dài. Từ đầu năm 2019 đến nay, kỳ hạn phát hành TPCP bình quân duy trì ở mức cao 13,3 năm, tăng mạnh so mức bình quân 4,8 năm trong giai đoạn 2011 - 2015. Cơ cấu NĐT có sự cải thiện căn bản. Đến nay, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các NĐT là tổ chức tài chính phi ngân hàng tiếp tục tăng, đạt khoảng 53%, tỷ lệ nắm giữ của các NHTM đạt khoảng 47%.

Bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nợ công ảnh 1

Huy động nhà đầu tư trong nước thực hiện một số dự án để giảm sự phụ thuộc các khoản vay nước ngoài.

PV: Vậy kế hoạch trả nợ của Việt Nam trong những năm tiếp theo sẽ như thế nào để không gây áp lực lên NS?

Ông VHH: Trong những năm vừa qua, Chính phủ luôn chủ động bố trí đủ nguồn trong dự toán cân đối NS để trả nợ trong mức đã được QH phê duyệt, theo đúng cam kết với các NĐT, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn ảnh hưởng uy tín của Chính phủ và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ so thu NSNN được duy trì ở mức hợp lý. Đến cuối năm 2018 đạt khoảng 15,9%, thấp hơn ngưỡng an toàn được QH cho phép là 25%. Để đạt được kết quả này, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện linh hoạt hàng loạt biện pháp tái cơ cấu nợ TPCP trong nước và quốc tế để giảm đỉnh nợ, không để nghĩa vụ trả nợ tập trung quá nhiều vào một năm, giảm áp lực cân đối nguồn của NSNN. Trong đó, tận dụng TT vốn trong nước tương đối thuận lợi, mức lãi suất trung bình phát hành TPCP hiện ở mức 4,95%/năm, thấp hơn so năm 2017 là 7,0%/năm. Bộ Tài chính thực hiện tái cơ cấu một phần danh mục TPCP đã phát hành trước đây để giãn đỉnh nợ và giảm nghĩa vụ nợ của Chính phủ. Đặc biệt, trong bối cảnh TT tài chính quốc tế thuận lợi, Bộ Tài chính đã chủ động phát hành trái phiếu quốc tế (TPQT) mới để mua lại nợ gốc hai khoản TPQT đã phát hành năm 2010 và năm 2005, giãn nghĩa vụ trả nợ gốc cho NS khi đến hạn TPQT vào năm 2015 và 2020. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến TT để triển khai các phương án mua lại, hoán đổi TPCP đáo hạn trong năm 2020 và 2021 tại các thời điểm trung - dài hạn.

PV: Để tiếp tục bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nợ công, Bộ Tài chính sẽ có những giải pháp như thế nào?

Ông VHH: Việc QLNC và TCCNC từ nay đến cuối giai đoạn 2020 và giai đoạn 5 năm tiếp theo cần được tiếp tục triển khai đồng bộ với việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó, có cơ cấu lại NSNN, đầu tư công, khu vực doanh nghiệp nhà nước, hệ thống các NHTM và tổ chức tín dụng. Bộ sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ. Việc nghiên cứu, đề xuất các ngưỡng an toàn nợ cho giai đoạn 5 năm tới cần được đánh giá hết sức thận trọng, không chỉ tập trung vào quy mô nợ so GDP mà còn phải phù hợp khả năng chi trả nợ của NSNN, ưu tiên tạo thêm dư địa để bố trí nguồn lực NS cho đầu tư phát triển…

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của cơ quan địa phương, hoạt động vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay, tự trả, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!