Tiền rẻ đang “đi” đâu?

Hiếm khi nào hệ thống ngân hàng (NH) có con số tăng trưởng huy động âm (-), điều đó đã xảy ra vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến ngày 23-2, huy động vốn của hệ thống NH giảm 0,48%; ngày 5-3, số dư huy động toàn quốc đạt 10,338 triệu tỷ đồng, giảm 0,2%; ngày 9-3, số dư huy động toàn hệ thống đạt hơn 10,345 triệu tỷ đồng, giảm 0,13% so cuối năm 2020. Tuy nhiên, đà giảm này hiện đã dừng lại. Ngược với tình hình huy động giảm, tín dụng đối với nền kinh tế tăng dần đều. Cụ thể, tính đến ngày 23-2, tín dụng toàn quốc tăng 0,26%; ngày 5-3 dư nợ đạt hơn 9,251 triệu tỷ đồng, tăng 0,64%; ngày 9-3 dư nợ đạt hơn 9,253 triệu tỷ đồng, tăng 0,66% so cuối năm 2020.

Việc huy động ngược chiều với tín dụng được coi là lý do khiến một số NH đã tăng nhẹ lãi suất để hút tiền gửi. Cụ thể, cuối tháng 2, một số NH như: Techcombank, VPBank, ACB… đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi từ 20 - 50 điểm phần trăm với khách hàng cá nhân.

Theo các chuyên gia, việc tăng lãi suất mang tính cục bộ trong bối cảnh các NH mới được cấp hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cho quý I và vẫn đang đợi hạn mức cho cả năm 2021. Nhưng khi room tín dụng cho cả năm được cấp cho các tổ chức tín dụng cùng với các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng, câu chuyện thanh khoản sẽ không còn “nhàn” như thời gian trước.

Ngoại tệ vào là một phần giúp hỗ trợ thanh khoản hệ thống, là một nguyên nhân giúp cho lãi suất giảm. Nhưng với câu chuyện lãi suất, rõ ràng lãi suất huy động (LSHĐ) tiết kiệm thấp khiến nhiều người rút tiền nhàn rỗi chuyển đầu tư sang các kênh khác như: thị trường chứng khoán (CK), bất động sản (BĐS), trái phiếu doanh nghiệp, thậm chí cả những kênh rủi ro cao như: forex, tiền ảo…

Trái phiếu là câu chuyện của năm 2020, còn CK do nghẽn lệnh của HoSE nên chưa hút được lượng tiền lớn như dự báo, nhưng “sốt” đất đã trở thành vấn đề lớn trong suốt tháng 3 khi liên tiếp có các tin về giá đất tăng cũng như cảnh báo rủi ro từ chính quyền các đô thị, địa phương.

Tuy nhiên, theo phân tích của một chuyên gia kinh tế, khi bất kỳ loại hàng hóa nào tăng giá thì nguyên nhân đều từ phía cung hoặc cầu: cung thấp đi, giá tăng và cầu nhiều (tiền vào nhiều), giá cũng tăng, hoặc cả hai nguyên nhân cùng xảy ra. CK tăng và BĐS tăng giá nhiều nơi là biểu hiện của dòng tiền hướng vào các lĩnh vực này tăng.

Dù dòng tiền có vẻ đi lệch mong muốn khi chuyển nhiều sang các kênh đầu tư khác, nhưng tín dụng tăng là một tín hiệu tích cực ở giai đoạn này vì quý đầu năm là quý thấp điểm về tín dụng, với đà tăng đó thì tình hình sẽ cải thiện cuối tháng 3 và đặc biệt từ đầu tháng 4-2021 khi hoạt động vay vốn theo tính chất chu kỳ sẽ tăng mạnh, dòng vốn sẽ hướng tốt hơn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng xã hội. Khi đó, có thể LSHĐ sẽ nhích dần, tình trạng tiền rẻ giảm đi.