Công nghiệp ô-tô cần sự hỗ trợ

Năm 2030, thị trường (TT) ô-tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các trung tâm sản xuất ô-tô lớn trên thế giới như: Nhật Bản, Mexico, EU... Như vậy, chỉ còn hơn 10 năm nữa, liệu còn đủ thời gian và cơ hội để Việt Nam phát triển công nghiệp (CN) ô-tô và tìm ra giải pháp để ứng phó nguy cơ bị xe nhập khẩu (NK) “đè bẹp”?

Theo số liệu từ Bộ Công thương, cả nước hiện có gần 40 doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô-tô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế hơn 680.000 xe/năm. Dưới tác động tích cực của các chính sách mới, tiêu biểu là Nghị định số 116/2017/NĐ-CP (NĐ 116), nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ô-tô lớn tại Việt Nam hướng tới TT khu vực đã được khởi công và hoàn thành. Tuy nhiên, sau một thời gian bị chững lại do những quy định của NĐ 116, các DNNK và sản xuất đã đáp ứng được các yêu cầu của NĐ này. Theo đó, số lượng ô-tô NK về Việt Nam tăng chóng mặt trong thời gian gần đây. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến hết tháng 8-2019, cả nước đã chi 2,14 tỷ USD (tương đương gần 50.000 tỷ đồng) NK 95.929 ô-tô nguyên chiếc các loại, tăng 232,9% về số lượng và 213,4% về kim ngạch so cùng kỳ năm 2018.

Lượng xe NK tăng nhanh tạo thách thức với nhà sản xuất trong nước. Dung lượng TT không thay đổi nhiều trong khi xe NK tăng, DN trong nước lại đầu tư thêm. Từ đó, cơ sở sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực, đặc biệt là chi phí khấu hao. Do sản lượng còn quá nhỏ, nên các nhà sản xuất phần lớn phải NK các linh kiện để sản xuất ô-tô.

Theo các chuyên gia, CN ô-tô là ngành tạo giá trị gia tăng cao, nhiều việc làm. Việt Nam có 100 triệu dân thì không thể chỉ NK ô-tô về tiêu thụ. Việc sử dụng hàng rào kỹ thuật hay hàng rào hành chính không phải là giải pháp đem lại sự hiệu quả và ổn định, cũng như không tạo điều kiện phù hợp để TT phát triển lành mạnh, bền vững. Vì vậy, các giải pháp liên quan chính sách thuế nên được triển khai để tạo ra sức cạnh tranh cho xe sản xuất trong nước về dài hạn (khi mà ảnh hưởng của NĐ 116 sẽ dần mất hiệu quả)…

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, hoàn thiện các chính sách thuế và phí hợp lý nhằm giúp các DN sản xuất, lắp ráp ô-tô trong nước nâng cao tỷ lệ giá trị nội địa, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh với xe NK nguyên chiếc. Mặt khác, cũng sẽ tính đến những giải pháp phát triển dung lượng TT.