Thị trường trong xu hướng tăng ngắn hạn

Chỉ số VN Index tiếp tục tăng điểm và hướng tới ngưỡng kháng cự 930 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật đang ủng hộ xu hướng tăng của thị trường chứng khoán (TTCK) trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhóm chỉ báo động lực suy yếu khiến khả năng VN Index vượt qua ngưỡng này không được đánh giá cao. Thêm vào đó, sự suy yếu của dòng tiền cũng cản trở khả năng tăng mạnh của chỉ số. 

Nhà đầu tư vẫn khá thận trọng dù chỉ số tăng điểm.
Nhà đầu tư vẫn khá thận trọng dù chỉ số tăng điểm.

TTCK trong nước ngày 12-10 gặp áp lực chốt lời khi tiến về vùng 930 điểm, dòng tiền tập trung ở nhóm cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) khiến TT dù đã có một phiên tăng ngay trong ngày đầu tuần, nhưng trong trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”. Bên cạnh đó, việc khối nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài bán ròng cũng gây áp lực lên TT. Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số VN Index tăng 1,83 điểm lên 925,83 điểm, trong đó chỉ số VN30 tăng 0,37 điểm lên 874,9 điểm. Độ rộng TT nghiêng về bên bán, toàn TT có 127 mã tăng, 295 mã giảm, ở rổ VN30 có 12 mã tăng, 16 mã giảm và hai mã giữ tham chiếu.

Thanh khoản TT tiếp tục được cải thiện so phiên cuối tuần trước với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 7.696 tỷ đồng. Giao dịch của khối NĐT nước ngoài diễn ra không mấy tích cực khi khối này bán ròng với tổng giá trị hơn 490 tỷ đồng. Áp lực chốt lời sau chuỗi tăng hơn hai tháng không chỉ riêng phiên này mà đã xuất hiện ở các phiên trong tuần trước đó, thanh khoản luôn được giữ ở mức cao trừ phiên cuối tuần trước. Về kỹ thuật, ở phiên tăng nhẹ đầu tuần này, TT chịu áp lực vào cuối phiên chiều cùng thanh khoản được đẩy lên mức cao. Thực tế, TT khởi đầu phiên khá hưng phấn khi nhanh chóng vượt qua mốc 930 điểm trong phiên sáng. Tuy nhiên, áp lực bán tăng vọt trong phiên chiều khiến VN Index có thời điểm rơi vào trong sắc đỏ. Dù vậy, VN Index kết thúc phiên vẫn tăng nhẹ. Đóng góp lớn nhất cho sự hồi phục của TT trong phiên là sự bứt phá của ba CP NH: VCB, BID và CTG, cùng với đó là giao dịch tích cực của CP bảo hiểm như: BVH, PVI, BMI, BIC… Tuy nhiên, sự suy yếu của nhiều nhóm ngành có tính TT cao như xây dựng, bán lẻ, vận tải, CK, vật liệu xây dựng… cùng sự phân hóa mạnh trong các nhóm CP ngành bất động sản, dầu khí, thủy sản… khiến áp lực điều chỉnh trên TT gia tăng.

Bên cạnh đó, khá nhiều CP trụ cột như: SAB, VRE, HPG, MWG, PLX… chìm trong sắc đỏ khiến TT gặp nhiều lực cản. Đáng chú ý, thanh khoản TT tăng mạnh với tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt hơn 10.200 tỷ đồng. Nhận định về TT cơ sở, các chuyên gia CK cho biết, sắc xanh lấn át TTCK châu Á khi đồng nhân dân tệ bắt đầu suy yếu ngay sau động thái giảm tỷ lệ dự phòng rủi ro ngoại hối cho các hợp đồng kỳ hạn của Trung Quốc. TTCK Việt Nam vẫn kết thúc phiên trong sắc xanh bất chấp áp lực bán ròng tăng vọt đầu phiên chiều. Về kỹ thuật, VN Index đang duy trì dòng tiền khá tích cực với mức thanh khoản cao. Tuy nhiên, áp lực bán có xu hướng tăng mạnh khi chỉ số VN Index vượt qua ngưỡng trên của dải băng Bollinger trong phiên cho thấy TT vẫn còn dư địa tăng.

Trong phiên giao dịch ngày 13-10, sau khi có sự giằng co quanh mốc tham chiếu vào phiên sáng, TTCK đã bật tăng trong phiên chiều đưa VN Index trở lại khu vực sát ngưỡng 930 điểm. Chốt phiên giao dịch, VN Index đóng cửa tăng 4,03 điểm (0,44%) lên 929,86 điểm.

TTCK giao dịch giằng co trong hầu hết phiên giao dịch buổi sáng với sự phân hóa mạnh. Diễn biến này kéo dài đến hết phiên nhưng VN Index vẫn đóng cửa tăng hơn bốn điểm nhờ đà tăng của một số blue chip như: VCB, VIC, BID, PNJ, VHM… và đặc biệt là sự bứt phá mạnh mẽ của MSN và CTG. Cùng với đó, đà tăng của các CPNH, bảo hiểm và thực phẩm đã hỗ trợ tích cực cho TT. Tuy nhiên, sự phân hóa mạnh với ưu thế nghiêng về sắc đỏ vẫn tiếp diễn ở các nhóm ngành có tính TT cao khác như xây dựng, CK, vật liệu xây dựng, dầu khí, bất động sản… Ngoài ra, một số blue chip như: SAB, HPG, MWG, NVL, HDB, POW… điều chỉnh cũng làm gia tăng áp lực cho các chỉ số. 

Đáng chú ý, thanh khoản TT sụt giảm mạnh so các phiên trước khi chỉ đạt hơn 7.200 tỷ đồng trên cả ba sàn. Về giao dịch của khối NĐT nước ngoài, các NĐT vẫn bán ròng trong phiên nhưng áp lực đã giảm đáng kể, chỉ còn gần 40 tỷ đồng. Cụ thể, trên HoSE, khối NĐT nước ngoài đã mua ròng 298 nghìn CP, nhưng xét về giá trị họ vẫn bán ròng 26,45 tỷ đồng. Lực bán của khối này tập trung vào MSN, BID, HSG. Ở chiều ngược lại, khối này đẩy mạnh mua ròng VCB, HPG, CTG…

VN Index tiếp tục tăng điểm và hướng tới ngưỡng kháng cự 930 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật đang ủng hộ xu hướng tăng của TT trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhóm chỉ báo động lực suy yếu khiến khả năng VN Index vượt qua ngưỡng này không được đánh giá cao. Thêm vào đó, sự suy yếu của dòng tiền cũng cản trở khả năng tăng mạnh của chỉ số. Các nhịp điều chỉnh ngắn hạn cần được lưu ý trong giai đoạn này. NĐT ưu tiên quan sát phản ứng của TT và có thể cân nhắc giảm dần tỷ trọng CP ở các phiên tăng điểm.

Khối NĐT nước ngoài vẫn đang bán ròng trên sàn HoSE và mua ròng nhẹ trên sàn HNX. Thanh khoản TT có sự suy giảm so phiên đầu tuần, đồng thời độ rộng TT vẫn ở trạng thái cân bằng cho thấy các NĐT vẫn khá thận trọng dù chỉ số tăng điểm. Nhiều khả năng VN Index sẽ dao động quanh 930 điểm và có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh nhẹ trong những phiên tới.