Thị trường thiếu ổn định do tâm lý

Yếu tố tâm lý luôn là nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường chứng khoán (TTCK) tăng/giảm bất thường và khó đoán định. Chỉ số VN Index được kỳ vọng sẽ duy trì xung lực tăng vừa phải nhờ sức mạnh nội tại trong nước cải thiện đi kèm với các chính sách hỗ trợ vốn có lợi cho TTCK.

Nhà đầu tư bị tâm lý đám đông chi phối trong giao dịch. Ảnh: NAM HẢI
Nhà đầu tư bị tâm lý đám đông chi phối trong giao dịch. Ảnh: NAM HẢI

Thực tế, nếu động thái hạ lãi suất điều hành từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực từ ngày 1-10 vừa qua đã khiến TT hồi phục thì thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump và vợ nhiễm Covid-19 lại khiến không chỉ TTCK Việt Nam lao dốc mà cả TTCK thế giới hoảng loạn, giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Một lần nữa câu đánh giá khá kinh điển “TTCK bao gồm 25% là tài chính, còn 75% đó là tâm lý” lại đúng.

Tâm lý nhà đầu tư (NĐT), tâm lý đám đông hay nói cách khác tâm lý nói chung chi phối biến động thất thường của TT, chi phối động thái giao dịch của NĐT trong ngắn hạn. Cho dù, dưới quan điểm dài hạn, TT cũng sẽ “trấn tĩnh” hơn và sẽ phải đi theo hướng nó phải đi nhưng trong ngắn hạn, có quá nhiều thông tin có thể khiến TT dao động bất định. Nếu quan sát kỹ diễn biến của TT tuần qua thì NĐT có thể thấy TT đã xuất hiện tín hiệu điều chỉnh đầu tiên ở phiên giao dịch thứ ba. Các chỉ báo kỹ thuật đã cho thấy TT có thể bước vào giai đoạn điều chỉnh kéo dài một đến hai tuần và phiên giao dịch thứ sáu lại khẳng định rõ nét hơn về xu hướng điều chỉnh trong tuần này.

Nếu TT chưa thể vượt qua khu vực 910 - 915 điểm thì cũng không quá quan trọng, vì nếu thống kê các nhóm cổ phiếu (CP) tăng giá, các CP vượt đỉnh mới hay thanh khoản trên toàn TT thì VN Index vẫn có thể lên tiếp các mốc 925 - 930, 955 - 960 và 980 hoặc thậm chí 1.000 điểm. Tăng điểm và điều chỉnh là quy luật bình thường trên TT. Nếu chúng ta đã lường trước được những biến động thất thường của TT, hành vi ứng xử phi lý từ phía các NĐT cá nhân trước những sự kiện địa chính trị, thông tin vĩ mô, xung đột chính trị khó đoán định thì vai trò của quản trị rủi ro, quản trị danh mục đầu tư như thế nào lại đóng vai trò quan trọng hơn.

Vị thế lúc ít, lúc nhiều CP hay tiền mặt hoặc trái phiếu đều có ý nghĩa quyết định đến hiệu suất đầu tư trong một thời kỳ nhất định. Sau phiên điều chỉnh mạnh cuối tuần qua, VN Index tuần này vẫn có thể dao động về vùng hỗ trợ 895 - 900 điểm một lần nữa. Chúng ta cũng không nên quá lo ngại bởi vẫn nhiều CP đang tăng điểm rất tốt bất chấp TT diễn biến điều chỉnh thế nào như DIG, OGC, VIB, KSB, LPB… Diễn biến phân hóa vẫn tiếp tục diễn ra vào nhóm CP ngân hàng, xây dựng và vật liệu, thép, dược phẩm. Nhiều CP vẫn sẽ tăng điểm tuần tới bất chấp TT điều chỉnh. Câu chuyện ở đây là việc phân tích và xác định nhóm CP nào tiềm năng. Các CP tăng điểm, điều chỉnh xoay vòng và việc mua nắm giữ hoặc giảm tỷ trọng CP như thế nào đều đóng vai trò quyết định.

Trong Báo cáo triển vọng TT tháng 10, Công ty Chứng khoán (CTCK) Mirae Asset Việt Nam cho rằng, làn sóng Covid-19 lần hai đã được kiểm soát thành công chỉ trong vòng hơn một tháng, giúp Việt Nam nhanh chóng trở lại lộ trình phục hồi nền kinh tế, dù triển vọng tăng trưởng đã được điều chỉnh thấp hơn, các hoạt động kinh tế đang dần trở lại trong điều kiện bình thường mới.

Sự cải thiện các hoạt động kinh tế cơ bản trong quý III và nỗ lực tái mở cửa từng bước ngành du lịch là cơ sở để nền kinh tế có thể duy trì đà phục hồi trong những tháng cuối năm. Chính phủ đang hành động quyết liệt hơn thông qua đẩy nhanh tốc độ và quy mô các chính sách kích thích kinh tế cả về đầu tư và tiền tệ, góp phần tạo thêm động lực cho quá trình phục hồi nền kinh tế và TT tài chính.

Trong ngắn hạn, các nhóm ngành dẫn dắt như tài chính - NH, bất động sản khu công nghiệp, vật liệu xây dựng được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách kích thích kinh tế và làn sóng chuyển dịch dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sang Việt Nam tiếp diễn. Trong khi đó, các nhóm ngành liên quan bán lẻ, xuất khẩu cũng được kỳ vọng dần phục hồi nhờ tiêu dùng cải thiện và sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu nhờ thương mại toàn cầu gia tăng trong bối cảnh nhiều quốc gia mở cửa trở lại nền kinh tế và hiệu ứng tích cực từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tuy nhiên, phòng phân tích của Mirae Asset Việt Nam cho rằng, VN Index được dự báo khó tiến xa và chủ yếu vận động trong vùng 900 - 940 trong tháng 10. Rủi ro bên ngoài là yếu tố cần lưu tâm.

TT đã trải qua giai đoạn tăng kéo dài từ cuối tháng 7 với mức tăng khoảng 15%, kéo theo áp lực định giá lớn dần. Theo đó, áp lực chốt lời tích lũy sẽ gia tăng khi các yếu tố tích cực phần nào đã phản ánh vào giá CP. Thêm vào đó, hoạt động bán ròng của khối NĐT nước ngoài duy trì vẫn là trở ngại để VN Index tiến xa trong ngắn hạn. Ngược lại, khả năng TT xuất hiện đợt điều chỉnh sâu không được đánh giá cao trong bối cảnh sức mạnh nội tại cải thiện. Trong kịch bản tiêu cực, vùng 880 - 890 đóng vai trò hỗ trợ tin cậy trong ngắn hạn.

Mirae Asset Việt Nam cảnh báo NĐT cần chú ý các rủi ro bên ngoài. Mặt khác, số ca nhiễm Covid-19 mới tại châu Âu và Mỹ đang gia tăng mạnh, gây ra mỗi lo ngại về một đợt bùng phát dịch mới vào mùa thu và đông. Bất kỳ một đợt bùng phát dịch mới nào xuất hiện sẽ tác động nghiêm trọng đến triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, vốn đang rất mong manh. Điều này cũng sẽ tác động ngược lên tiến trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam cũng như TTCK.