Thị trường duy trì tốt sự ổn định

Thị trường chứng khoán (TTCK) đã bước sang phiên tăng thứ 4 liên tục trong phiên giao dịch ngày 17-9, khi kết phiên này VN Index đạt tới 996,74 điểm. Khoảng cách tới ngưỡng tâm lý 1.000 điểm đang được rút lại ngày càng ngắn. Phiên giao dịch này không thật sự mạnh mẽ, bởi nếu nhìn từ số lượng cổ phiếu (CP) tăng giảm thì TT vẫn có nét tiêu cực. Và dù không có dấu hiệu rõ ràng nào của thanh khoản tăng, nhưng TT vẫn duy trì sự ổn định.

Cổ phiếu tăng giá khuyến khích nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn. Ảnh: NG.NAM
Cổ phiếu tăng giá khuyến khích nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn. Ảnh: NG.NAM

Trước đó, đà tăng có phần chậm lại trong phiên đầu tuần, ngày 16-9, sau khi nhà đầu tư (NĐT) hiểu hơn về động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. CP ngân hàng (NH) có phần hạ nhiệt nhưng CP dầu khí (DK) lại bùng nổ. Nhóm CPDK trở thành tâm điểm. Giá dầu thế giới mở cửa ngày đầu tuần đã tăng gần 20% do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Đà tăng của giá dầu có chậm dần lại sau đó, nhưng cả hai loại dầu chính vẫn duy trì mức tăng quanh 8%.

Không có gì bất ngờ, khi CPDK đồng loạt tăng mạnh. Chỉ số của nhóm CP năng lượng trên sàn HoSE đóng cửa tăng 0,99%, mức tăng rất mạnh nếu so VN Index chỉ tăng có 0,27% hay VN30 Index tăng 0,39%. Điều đáng tiếc là CPDK chỉ có hai mã nổi bật về vốn hóa là GAS và PLX, còn lại khá nhỏ. Do đó, biến động giá chỉ tốt theo nhóm ngành hơn là nâng đỡ chỉ số. GAS lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 8-2019, PLX tăng cao nhất 15 phiên...

Ngược lại, nhóm CPNH không còn tăng tưng bừng như phiên cuối tuần trước. Việc giảm lãi suất điều hành thực tế khó đem lại lợi nhuận khác biệt cho các NH, vì chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay mới là điều quyết định. Cả hai yếu tố này khó thay đổi chỉ vì giảm lãi suất điều hành và còn tùy thuộc từng NH. Mặc dù thông tin giảm lãi suất là rất tích cực đối với TTCK, nhưng phản ứng của NĐT mới là yếu tố quyết định. Đã từng có nhiều thông tin hỗ trợ rất mạnh nhưng NĐT nghi ngờ, thậm chí là đánh giá ngược, nên TTCK vẫn không thể tăng mạnh. Giai đoạn đầu phản ứng thông tin thường có những biến động rất lớn như phiên cuối tuần qua, khi VN Index tăng 1,1%. Đến phiên này, NĐT đã bình tâm hơn và việc tăng giá lại khuyến khích không ít NĐT chốt lời ngắn hạn. VN Index một lần nữa tiến sát ngưỡng 1.000 điểm và đây là khu vực bị chốt lời trong quá khứ.

Phiên này, rất nhiều CP đầu phiên tăng bùng nổ, nhưng cuối phiên lại tụt giảm, thậm chí tụt xuống dưới tham chiếu. Rung lắc ngắn hạn là điều thường xuyên xảy ra, nhất là khi TT tăng liên tục ba phiên, CP tăng nhiều hơn. Điều tích cực là thanh khoản vẫn duy trì được ở mức cao cho thấy có lực mua vào hấp thụ lượng hàng bán ra. Hai sàn đạt tổng giao dịch phiên này hơn 4.900 tỷ đồng và khớp lệnh hơn 3.300 tỷ đồng.

VN Index đóng cửa đạt 989,86 điểm, đang tiến đến rất gần mốc 1.000 điểm. Đây là lần thứ ba chỉ số thử thách mốc nhạy cảm này. Lần này TT được “vũ trang” bằng tin tốt như giảm lãi suất, giảm căng thẳng thương mại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng chuẩn bị giảm lãi suất lần nữa vào cuối tuần.

Sang phiên giao dịch ngày

17-9, TT đã bước sang phiên tăng thứ 4 liên tục và kết phiên này VN Index đã tới 996,74 điểm. Khoảng cách tới ngưỡng tâm lý 1.000 điểm ngày càng ngắn.

Phiên giao dịch này không thật sự mạnh mẽ. Nếu nhìn từ số lượng CP tăng giảm thì TT vẫn có nét tiêu cực. Thật vậy, sàn HoSE cứ 1 mã giảm chỉ có 0,83 mã tăng. Dù VN Index tăng 6,88 điểm mà số mã giảm giá lại nhiều hơn phiên đầu tuần. Điều đó cho thấy có yếu tố đẩy trụ khá rõ. Hai CP có lực mạnh là GAS tăng 3,38% và VHM tăng 2,03%. Đó là các CP blue chip tác động lớn nhất lên VN Index phiên này và tạo ra mức tăng rất tốt cho chỉ số, dù CP giảm giá chiếm ưu thế. VN30 Index cũng tăng 0,42%, mức tăng yếu hơn VN Index vì vẫn thiếu một số mã quan trọng như: VIC, TCB, CTG tham chiếu, BVH giảm 0,68%, VPB giảm 0,48%, VJC giảm 0,14%.

Nhóm CP vừa và nhỏ phân hóa tăng - giảm. Tuy nhiên, có hai thái cực trong giao dịch: Nhóm tăng giá thì tăng khá mạnh và ngược lại, nhóm giảm cũng giảm sâu. Diễn biến của TT phiên này thiếu tính dẫn dắt của các nhóm CP. CPNH tuy có BID tăng rất mạnh nhưng các mã khác không đáng chú ý. CPDK tăng đều hơn nhưng PLX lại giảm 0,16%. Hiệu ứng tốt là nhóm blue chip vẫn mạnh nhất dẫn đến lực đỡ ổn định cho VN Index. Chỉ số này có lúc giảm 0,29% so tham chiếu, nhưng rồi blue chip đã vực dậy và đẩy tăng dần đến cuối phiên. Nếu có động lực nào đưa VN Index vượt 1.000 điểm thì chỉ có thể là blue chip.

Nếu như phiên đầu tuần TT xuất hiện lực chốt lời từ từ đè giá tụt xuống thì phiên này áp lực này đã giảm đi. Do đó, từ chỗ giảm ban đầu, TT từ từ phục hồi đi lên. Diễn biến như vậy cũng thể hiện lực mua gia nhập TT và mua các CP điều chỉnh. Tuy nhiên, với số lượng CP tăng giá ít hơn giảm giá, có thể thấy NĐT chọn mua khá chọn lọc. CP nào được bắt đáy lúc giá giảm đủ mạnh thì đều quay đầu tăng sau đó.

Tổng giá trị giao dịch phiên này cũng không thay đổi nhiều, vẫn đạt xấp xỉ 4.946 tỷ đồng và mức khớp lệnh vẫn khoảng 3.350 tỷ đồng. Không có dấu hiệu rõ ràng nào của thanh khoản tăng lên, nhưng TT vẫn duy trì độ ổn định tốt. VN Index tăng dần dù có hiệu ứng kéo trụ thì vẫn có hơn 200 CP tăng giá trên hai sàn. Việc của NĐT lúc này là chọn đúng CP mạnh.