Duy trì ba phiên thanh khoản kỷ lục

VN Index đóng cửa phiên cuối tuần qua (ngày 9-10) đạt 924 điểm, chính thức đạt ngưỡng cao nhất tuần qua. Tuy nhiên, khá bất ngờ là thanh khoản lại sụt giảm tới 20% ở giá trị khớp lệnh so phiên giao dịch ngày 8-10, chỉ còn hơn 6.475 tỷ đồng. Thậm chí đây là mức giao dịch kém nhất bảy phiên. 

Nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu tăng mua hỗ trợ thị trường. Ảnh: NAM HẢI
Nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu tăng mua hỗ trợ thị trường. Ảnh: NAM HẢI

Trước đó, ngày 8-10, TT trong nước tiếp tục chịu áp lực chốt lời lớn và giảm đồng loạt bất chấp TTCK quốc tế khởi sắc. VN Index đã có phiên thứ hai giằng co dưới ngưỡng 920 điểm đi kèm với thanh khoản rất cao. Nhóm cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn nhất sau phiên kéo VN Index thành công ở phiên kề trước đã bất ngờ quay đầu giảm. Điều rất bất lợi là đã không có nhóm CP nào khác thay thế, thậm chí nhóm vốn hóa trung bình của rổ VN30 cũng phần lớn là giảm.

Sự hào hứng từ phiên tăng mạnh trên TTCK Mỹ đêm 7-10 chỉ giúp TT trong nước tích cực trong thời gian rất ngắn. VN Index mở cửa tăng 0,26% lên 922,08 điểm sau đó đổ đèo ngay lập tức. Gần như trọn phiên, chỉ số này luẩn quẩn dưới tham chiếu và đóng cửa giảm 0,88 điểm, dừng tại 918,84 điểm. Như vậy đây là phiên thứ hai liên tiếp VN Index không vượt thành công mốc 920 điểm, dù trong phiên đã có thời điểm lên cao hơn. Lý do quan trọng nhất là sự thiếu ổn định ở các CP dẫn dắt. Hiện tượng giảm nhiều hơn tăng tiếp tục cho thấy biến động giá ở nhóm blue chip kém ổn định. Các mã lớn không thể duy trì được đà tăng liên tục để dẫn dắt chỉ số.

Không chỉ với nhóm blue chip VN30, TT tiếp tục xuất hiện áp lực điều chỉnh khá rộng. Sàn HoSE phiên này cứ một mã giảm chỉ có 0,62 mã tăng, kém hơn nhiều phiên trước. Câu chuyện VN Index tăng, giảm hiện phụ thuộc vào sự trồi sụt của nhóm vốn hóa lớn nhất, nhưng CP vẫn tiếp tục giảm nhiều hơn tức là nhà đầu tư (NĐT) vẫn đang xả hàng chốt lời. Thậm chí, ở nhóm đầu cơ, chỉ còn duy nhất TTF là có khả năng giao dịch ở giá kịch trần. Phần chủ yếu của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ tăng dưới ngưỡng 3%.

Hoạt động chốt lời dĩ nhiên có thể nhìn thấy rõ nhất qua số lượng CP giảm giá phiên này đã tăng đáng kể. Đồng thời, thanh khoản vẫn duy trì mức rất cao cho thấy hẳn phải có nhà đầu tư xả khối lượng CP rất lớn. Tính đến phiên này, giá trị khớp lệnh hai sàn đã sang ngày thứ ba đạt ngưỡng hơn 8.000 tỷ đồng. Phiên này giao dịch giảm 8,4% so phiên kề trước, đạt 8.042 tỷ đồng và thêm khoảng 855 tỷ đồng thỏa thuận nữa. Tuần qua chắc chắn sẽ đi vào lịch sử của TTCK Việt Nam khi duy trì được ba phiên liên tục ở mức thanh khoản hơn 8.000 tỷ đồng. 

Điểm tích cực nữa là NĐT nước ngoài có dấu hiệu tăng mua hỗ trợ TT. Tổng giá trị mua vào của khối này trên HoSE phiên này khoảng 668,4 tỷ đồng trong khi phiên kề trước chỉ hơn 460 tỷ đồng. Mức bán ròng cũng thu hẹp còn khoảng 93 tỷ đồng trong khi phiên kề trước hơn 192 tỷ đồng. 

Sang phiên giao dịch chốt tuần qua (ngày 9-10), MSN tiếp tục gây sốc lớn khi đà tăng cực mạnh chưa dừng lại bất chấp lực xả hàng ở mức rất cao. CP này xác lập kỷ lục tăng giá lẫn thanh khoản, mức tăng như thể một CP đầu cơ. Không phải các mã đầu cơ hạng nặng, CP gây sốc nhất TT trong tuần qua  lại là một blue chip nổi tiếng “nặng nề” MSN. Bất chấp rất nhiều hồ nghi, MSN đã vượt đỉnh hồi tháng 5-2020 một cách nhẹ nhàng khi đóng cửa phiên cuối tuần qua tăng tới 6,57%.

Trọn năm phiên của tuần qua, MSN tăng không ngừng nghỉ với tổng mức tăng lên tới 25,9% và lên đỉnh 10 tháng. Ấn tượng nhất là mức tăng của MSN lọt vào nhóm năm CP tăng mạnh nhất sàn HoSE trong tuần qua. Thậm chí sức mạnh của MSN còn đáng nể hơn, khi các CP còn lại đều chỉ là những CP đầu cơ nhỏ với mức thanh khoản rất kém. Khác biệt lớn nhất ở MSN là tổng giá trị giao dịch (chưa tính thỏa thuận) trong năm phiên lên tới 1.476 tỷ đồng. Với mức thanh khoản cao chưa từng thấy trong lịch sử này, MSN có dư địa cho rất nhiều NĐT lớn tham gia chứ không chỉ các NĐT nhỏ lẻ. Không có thông tin chính thức nào lý giải cho biến động quá bất thường ở CP này, nhưng giá đang phản ánh trước những cú sốc sắp tới. Do mức tăng giá quá nhanh và quá mạnh, NĐT đã tranh thủ chốt lời cực lớn, nhưng sức mua còn lớn hơn. Phần lớn giao dịch trong tuần của MSN thuộc về NĐT trong nước. Với mức tăng giá tương đương nhóm đầu cơ, MSN cũng đang có tính chất đầu cơ rất mạnh. CP này từng là blue chip kém cỏi nhất và không mấy NĐT chú ý, hiện đã vụt tỏa sáng thu hút toàn bộ chú ý của TT. 

Các nhà đầu cơ nhỏ lẻ có thể dễ dàng kiếm được 20% lợi nhuận một tuần nếu “đu” đúng sóng. Tuy nhiên, do các CP đầu cơ có khả năng thổi giá mạnh như vậy thường có thanh khoản quá kém nên chỉ số ít NĐT được chia miếng bánh. Với MSN, hàng nghìn tỷ đồng đổ dồn vào đầu cơ giá lên chắc chắn phải có những tay chơi “khủng”. Blue chip siêu thanh khoản có thể so sánh với MSN tuần qua là HPG, mức tăng giá chỉ 6,7%. Mức tăng giá mạnh của MSN cũng đóng góp quan trọng cho diễn biến tăng tốt của VN Index. Trong 5,16 điểm tăng của chỉ số này phiên chốt tuần qua, có 1,4 điểm đến từ MSN. 

VN Index đóng cửa phiên cuối tuần qua đạt 924 điểm, chính thức đạt ngưỡng cao nhất tuần. Tuy nhiên khá bất ngờ là thanh khoản lại sụt giảm tới 20% ở giá trị khớp lệnh so phiên giao dịch ngày 8-10, chỉ còn hơn 6.475 tỷ đồng. Thậm chí đây là mức giao dịch kém nhất bảy phiên. Sàn HoSE giảm giá trị khớp lệnh khoảng 20% so phiên giao dịch ngày 8-10 và tất cả các nhóm CP đều giảm.

Mặc dù thanh khoản yếu đi nhưng TT lại có dấu hiệu tốt lên khi số lượng CP tăng giá đã phục hồi gần tương đương số giảm giá. Tuy vậy giao dịch cũng không có dấu hiệu nóng, giao dịch chỉ nóng ở CP cụ thể và cũng không nhiều, như blue chip có MSN, với thanh khoản khá tốt.