Cổ phiếu nâng đỡ thị trường

Thị trường (TT) tiếp tục trạng thái luân phiên kéo chỉ số của các cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn, nên VN Index có thể chậm lại, nhưng không thể cản bước tăng. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5-11, VN Index có thêm 1,91 điểm, lên mức 1.024,34 điểm, mức đỉnh của 16 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, thanh khoản phiên này bắt đầu có dấu hiệu đi xuống dù các CP vốn hóa lớn vẫn có thanh khoản rất cao.

Thanh khoản gia tăng đột biến hai phiên vừa qua cho thấy nhà đầu tư bắt đầu có kỳ vọng rất lớn vào thị trường. Ảnh: NG.HẢI
Thanh khoản gia tăng đột biến hai phiên vừa qua cho thấy nhà đầu tư bắt đầu có kỳ vọng rất lớn vào thị trường. Ảnh: NG.HẢI

Trước đó, đà tăng có phần chững lại trong phiên đầu tuần, ngày 4-11, khi các CP vốn hóa lớn có sự “chuyền vai”. Dù vậy VN Index vẫn tăng thêm gần 7 điểm nữa, nhẹ nhàng vượt qua mốc 1.020 điểm. Cụ thể, kết thúc phiên đầu tuần, VN Index đã đạt 1.022,43 điểm, tăng 6,84 điểm so phiên cuối tuần trước. Như vậy, VN Index đã tương đương đỉnh cao 13 tháng đạt được ngày 4-10-2018 (1.023,62 điểm). Mức tăng phiên này so phiên bùng nổ cuối tuần trước thì yếu hơn. Đà tăng chậm lại chủ yếu vì nhóm CP họ Vingroup đã điều chỉnh sau ngày tăng sốc: VIC giảm 0,65%, VRE giảm 0,43%. Nhóm CP họ Vingroup nghỉ sau khi đột biến là bình thường.

Phiên này đến lượt CP ngân hàng (NH) tăng mạnh. Diễn biến này có thể tác động phần nào từ báo cáo ngành NH của JP Morgan. Tổ chức này đánh giá tích cực về các NH niêm yết, trong đó đánh giá khả quan với VCB, TCB và ACB. Nhóm CPNH là các CP khá lớn đối với VN Index, đặc biệt có VCB thuộc “Top 3” TT và BID, TCB thuộc “Top 10”. Do đó, mặc dù VIC và VNM giảm giá, VN Index vẫn nhận được lực hỗ trợ tốt và tăng, dù mức tăng không bằng lực kéo của VIC và VHM. Ngay cả VHM phiên này vẫn tăng thêm 0,84%.

Trong các mã NH, VCB tăng đã tạo đỉnh cao mới sau khi đã tăng 6,8% trong tháng 10. BID tiếp tục có đỉnh cao mới trong 18 tháng và đang hướng tới đỉnh cao lịch sử tháng 4-2018. So về giá đóng cửa, BID còn thấp hơn đỉnh lịch sử khoảng 7,3%. Các mã CPNH khác tuy tăng mạnh những cũng chưa vượt qua được đỉnh ngắn hạn cách đây hai tuần. Phiên này, nhóm blue chip tăng khá nhiều, tuy nhiên mức tăng tốt lại chỉ dồn vào một số CP.

Cùng với các diễn biến bùng nổ của VN Index, phiên này TT cũng chứng kiến phiên thanh khoản rất lớn. Giá trị khớp lệnh TT đạt tới 4.752 tỷ đồng, chỉ thua phiên có hai quỹ ETF tái cơ cấu danh mục hôm 20-9. Nếu chỉ tính các giao dịch thông thường, thanh khoản phiên này cao nhất trong vòng bảy tháng.

Thanh khoản gia tăng đột biến hai phiên vừa qua cho thấy nhà đầu tư (NĐT) bắt đầu có kỳ vọng rất lớn vào TT và xuống tiền mua mạnh hơn. Trong hai phiên VN Index bùng nổ qua mức 1.000 điểm, tổng giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày lên tới 5.617 tỷ đồng và giá trị khớp lệnh trung bình tới 4.536 tỷ đồng.

TT nhiều tháng qua rất hiếm khi được chứng kiến hai phiên liền giá trị giao dịch cao như vậy. Để duy trì liên tục mức thanh khoản cỡ này, NĐT phải mua rất mạnh, thậm chí là sử dụng đòn bẩy lớn. Đó là dấu hiệu tích cực về tâm lý vì TT CP chỉ giao dịch một chiều. Khi NĐT mua vào tức là kỳ vọng giá CP tăng. Điều này khác với xu hướng bán ra khi VN Index gần mốc 1.000 điểm trong nhiều tháng trước. Tuy nhiên, thanh khoản lớn cũng bộc lộ điểm yếu là NĐT chỉ quan tâm một số nhỏ các CP. Thí dụ, phiên này hai sàn có 10 CP khớp lệnh hơn 100 tỷ đồng thì 10 mã này chiếm tới gần 45% tổng giá trị TT. Nếu phân theo nhóm thì ngoài CP ROS thường được tạo thanh khoản riêng, các CP còn lại rơi vào ba nhóm chính là: NH, CP họ Vingroup và các mã cơ sở cho chứng quyền.

TT tiếp tục diễn ra sự luân phiên kéo chỉ số của các CP vốn hóa lớn nên VN Index có thể chậm lại, nhưng không thể cản bước tăng. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5-11, VN Index có thêm 1,91 điểm, lên mức 1.024,34 điểm, mức đỉnh của 16 tháng liên tiếp. Phiên này, CPNH lại yếu đi một chút và VIC cũng tiếp tục giảm. Riêng VHM, VRE tăng trở lại với cường độ lớn. Đặc biệt VHM kéo chỉ số rất khỏe khi tăng 1,98% so tham chiếu và đạt mức 97.900 đồng/CP. Đây là giá cao nhất trong lịch sử niêm yết của VHM sau khi thực hiện chia tách phát hành thêm.

Trong nhóm CP họ Vingroup, VIC đã chững đà tăng sang phiên thứ hai. VHM và VRE có lẽ vẫn được hỗ trợ từ kỳ vọng mua CP quỹ. VHM tăng sáu phiên đã tới 13,8%, VRE cũng tăng 9,7%. Riêng VIC mới tăng được 3,2%. Trừ VHM và VRE, phần lớn blue chip còn lại dù khỏe cũng không tăng được bao nhiêu. Kể từ khi vượt đỉnh 1.000 điểm, VN Index hoàn toàn nhờ cậy vào vài CP lớn xoay vòng luân phiên là: VIC, VHM, VRE, GAS và VCB.

Điều ấn tượng trong ba phiên trở lại đây là giao dịch rất lớn. Phiên này giá trị khớp lệnh kém nhất ba phiên thì cũng vẫn trên ngưỡng 4.000 tỷ đồng. Lần gần đây nhất TT duy trì được quá ba phiên liên tục khớp lệnh vượt 4.000 tỷ đồng là giữa tháng 3-2019. Đó cũng đúng vào lúc TT đạt đỉnh của năm 2019.

Thanh khoản phiên này bắt đầu có dấu hiệu đi xuống dù các CP vốn hóa lớn tiếp tục có thanh khoản rất cao. So phiên đầu tuần, giá trị khớp lệnh giảm gần 15%. Thanh khoản suy giảm có thể do NĐT đã bớt hào hứng hoặc lo ngại thanh khoản sẽ gặp trở ngại khi lượng CP mua sớm ngày VN Index vượt 1.000 điểm bắt đầu bán được từ ngày 6-11. Thanh khoản giảm khi TT đang trong xu hướng tăng mạnh chủ yếu là do NĐT lo ngại TT sẽ có điều chỉnh nếu muốn lên tiếp. Vì vậy, họ chờ mua khi điều chỉnh hơn là nhảy vào đua giá cao.