Thiết kế chính sách theo kiểu “chọn - cho”

Trong dự thảo Nghị định (NĐ) hướng dẫn Luật Chứng khoán (CK), Ban soạn thảo đã đề xuất cho phép công ty chứng khoán (CTCK) được chào bán sản phẩm tài chính (SPTC). Việc này vừa tạo kỳ vọng cho nhiều thành viên thị trường (TT) vào một cơ chế mới, vừa thắc thỏm nỗi lo cố hữu về cách thiết kế chính sách theo kiểu “chọn - cho”.

Sau 20 năm thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước đi vào vận hành, nhiều tổ chức kinh doanh CK như: CTCK VNDirect, CTCK Bảo Việt... bày tỏ mong muốn nhà quản lý mở rộng không gian hoạt động để các CTCK chủ động và triển khai đa dạng hơn các hoạt động đầu tư, kinh doanh, phát triển SPTC...
Theo Vụ trưởng Quản lý chào bán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Bùi Hoàng Hải, đáp ứng phần nào những mong muốn đó, trong dự thảo NĐ hướng dẫn Luật CK đã mở ra cơ chế cho phép CTCK được chào bán SPTC. Theo đó, để được chào bán SPTC, CTCK phải đáp ứng các điều kiện như: được cấp phép nghiệp vụ tự doanh; tuân thủ nghĩa vụ thanh toán của sản phẩm; có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu đạt thấp nhất 1.000 tỷ đồng theo báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán; không bị đặt trong tình trạng tạm ngừng hoạt động, đình chỉ hoạt động hoặc trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản; không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CK và TTCK trong sáu tháng gần nhất tính đến ngày UBCK nhận được hồ sơ...
Việc Ban soạn thảo đưa vào cơ chế mới mở đường cho các CTCK chào bán SPTC được chính người trong cuộc và nhiều thành viên TT kỳ vọng sẽ nới rộng không gian hoạt động cho các CTCK, vốn lâu nay bị bó hẹp trong các mảng hoạt động chính như: môi giới, tự doanh, ngân hàng đầu tư.
Dẫu vậy, một số CTCK vẫn e ngại cách thiết kế chính sách “mới mà không mới” tại dự thảo NĐ hướng dẫn Luật CK. Cụ thể, cơ chế mới vẫn theo nguyên tắc “chọn - cho”, nghĩa là dự thảo quy định CTCK chỉ được phát hành SPTC khi Bộ Tài chính có hướng dẫn về sản phẩm, hồ sơ, trình tự, thủ tục chào bán SPTC, CK cơ sở, hạn mức chào bán SPTC, báo cáo và công bố thông tin của tổ chức phát hành; báo cáo và công bố thông tin của ngân hàng lưu ký...
Chia sẻ nỗ lực của cơ quan hoạch định chính sách, lãnh đạo một CTCK nhìn nhận, CK là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên phải chấp nhận việc chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính thì CTCK mới được phát hành SPTC. Có nghĩa là, Bộ Tài chính cho phép triển khai sản phẩm gì thì CTCK mới được làm.
Tuy nhiên ông cũng thẳng thắn, quy định trên chỉ có ý nghĩa định ra nguyên tắc khung cho CTCK phát hành SPTC. Một khi Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn chi tiết cho việc tổ chức triển khai thì đó chỉ là quy định... “treo”.
Thực tế, cách thiết kế chính sách theo kiểu “chọn - cho”, có nghĩa là những gì cấm thì CTCK không được phép triển khai, vừa không phù hợp cơ chế quản lý TTCK theo phương thức kinh doanh có điều kiện, vừa khiến Bộ Tài chính, UBCK gặp khó khăn trong quản lý hoạt động của khối CTCK. Đồng thời gia tăng rủi ro với TTCK cũng như hoạt động của khối CTCK.
Để cơ chế cho phép CTCK được chào bán SPTC sớm đi vào cuộc sống, thực tiễn TT đang đòi hỏi Bộ Tài chính cần nhanh chóng đưa ra các hướng dẫn cho phép CTCK được phát hành các SPTC phù hợp nhu cầu của TT, cũng như thông lệ và chuẩn mực quốc tế sau khi nghị định hướng dẫn Luật CK có hiệu lực.