Lợi bất cập hại

Giảm giá là một trong những biện pháp phổ biến trong kinh doanh nhằm thu hút khách hàng, kích thích sức mua. Nhưng nếu giảm quá đà, thậm chí là “phá giá” lại không tốt cho thị trường. Tương tự, việc các công ty chứng khoán (CTCK) giảm lãi suất (LS) cho vay ký quỹ (margin) được xem là tích cực, nhưng nếu có CTCK cá biệt công bố LS margin quá thấp, theo kiểu “phá giá”, lại có thể gây ra những hệ lụy. 

Một thời gian dài LS margin dao động ở mức 14 - 15%/năm, sau đó có một số đơn vị hạ xuống vùng 10 - 11%/năm, rồi cũng có CTCK đưa LS margin xuống “một chữ số” nhưng cũng suýt soát ở vùng 9 - 10%/năm. Gần đây, một CTCK nằm trong tốp đầu bỗng nhiên công bố mức LS margin chỉ còn 5%/năm đã thu hút một số sự chú ý. 

Thực tế, LS margin ở vùng 5%/năm có thể khiến nhiều người xuýt xoa và có tác dụng “đánh động” nhất định. Nhưng trước khi bàn sâu về vấn đề này, cần nhắc đến một “thông lệ” không tốt cho việc phá giá hoặc miễn phí theo kiểu chơi trội của một số CTCK trong nhiều năm qua, đó là gần như chẳng thu được lợi ích gì bền vững. Đã có nhiều CTCK miễn phí giao dịch cổ phiếu (CP), rồi vài năm nay thì miễn phí giao dịch phái sinh, rốt cuộc thị phần lại vẫn nằm trong tay các CTCK thu phí, thậm chí… thu phí cao. 

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến điều này: Thứ nhất, và cũng quan trọng nhất, đó là CTCK làm chưa tới, chưa đủ như điều mình nói và thường cài cắm các yếu tố có liên quan để “thách thức” khách hàng đạt được rồi mới hưởng ưu đãi. Một “truyền thống” của những chương trình siêu ưu đãi mà các CTCK hay sử dụng là yêu cầu khách hàng phải xoay vòng vốn liên tục, chẳng hạn để vay LS thấp, khách hàng phải xoay vòng vốn từ 3 - 5 lần trong một tháng. Hay muốn vay với tỷ lệ đòn bẩy cao, thì nhà đầu tư (NĐT) chỉ được nắm giữ đến T+3, tức là CP về đến tài khoản là bán ngay, bất kể lãi lỗ. Một môi giới có kinh nghiệm khẳng định, việc CTCK “phá giá” margin cũng không nằm ngoài quy luật này, chắc chắn sẽ không có chuyện mức lãi suất thấp mà không kèm theo những điều kiện gì, mà kèm theo đó sẽ phải xoay vòng liên tục vốn. 

Nghĩa là CTCK giảm thu từ lãi margin, thì sẽ phải tăng thu phí giao dịch, phí ứng trước… NĐT hiện nay, phần lớn đều là những người có kinh nghiệm hoặc sẽ chẳng quan tâm, hoặc nếu quan tâm và vỡ lẽ ra những điều kiện ràng buộc thì sẽ chán nản, thất vọng hoặc bực bội. 

Thứ hai, xu hướng chung của ngành dịch vụ tài chính là đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng chất lượng dịch vụ, việc chỉ chú ý đến yếu tố giá, mà ở đây là LS thấp, cũng đồng nghĩa CTCK sẽ phải hạn chế nguồn lực vào những hạng mục khác.

Thẳng thắn mà nói, NĐT chọn CTCK để đặt tài khoản giao dịch sẽ ưu tiên vào thương hiệu, uy tín, độ an toàn và chất lượng dịch vụ trước nhất. Việc giảm vài % LS margin chẳng là gì nếu tài khoản của NĐT không sinh lãi. Trong khi đó, nếu có lãi lớn từ giao dịch thì dù LS margin có cao cũng không thành vấn đề. 

Vì vậy, việc lựa chọn chính sách giảm giá của một số CTCK có thể nói là lợi bất cập hại nếu không có sự cân nhắc thiệt hơn.