Lỗ trong dự báo

Việc thua lỗ, giảm lãi trong quý II - 2020 nói riêng và nửa đầu năm 2020 nói chung của nhiều doanh nghiệp (DN) trên sàn là điều đã được dự báo từ khá lâu, nên đã có những phản ứng cụ thể vào diễn biến giá cổ phiếu (CP).

Khẳng định lại

Nếu như quý II - 2019, Đất Xanh (DXG) còn báo lãi gần 250 tỷ đồng, thì quý II năm nay, công ty bất động sản này đã lỗ gần 30 tỷ đồng. Dù vậy, sau khi báo lỗ, giá CP của DXG lại không có biến động mạnh, trong các phiên 21, 22 và 23-7 vẫn quanh quẩn ở mốc 10.000 đồng/CP như một loạt các phiên trước đó.

Tương tự, hãng taxi lớn Vinasun (VNS) cũng đã báo lỗ 111 tỷ đồng trong quý II - 2020. Không quá khó để dự báo tình trạng của VNS khi hoạt động di chuyển bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng như các hoạt động giãn cách xã hội. Diễn biến giá VNS sau khi báo lỗ cũng quanh quẩn ở mốc 10.000-11.000 đồng/CP…

Nếu nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán trong khoảng nửa tháng qua, cũng sẽ thấy có những nét tương đồng với xu hướng công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý II-2020, nửa đầu năm 2020 hoặc báo cáo nhanh kết quả kinh doanh (KQKD) của nhiều DN. Theo đó, phần lớn những khoản thua lỗ là điều đã được dự báo trước, khi con số chính thức xuất hiện chỉ như một sự khẳng định. 

Đó là lý do quan trọng khiến VN Index dao động quanh khu vực 850 - 870 điểm, cụ thể hơn khi đã có một số lần VN Index rơi khỏi vùng hỗ trợ 850 điểm và tưởng như sẽ nằm dưới ngưỡng này, nhưng rồi lại bật lên lại, nhờ sự phục hồi về mặt tâm lý.

Liệu có bất ngờ?

Việc một số ngành như công nghệ, thực phẩm, mà cụ thể như chăn nuôi, sản xuất thịt lợn có kết quả kinh doanh thuận lợi cũng đã được phản ánh khá rõ vào giá những CP như: FPT, HPG, DBC… Tuy nhiên, ngoài những trường hợp này, nhiều nhà đầu tư (NĐT) vẫn hy vọng bất ngờ có thể xuất hiện thêm tại một số DN, nhất là những đơn vị có giá trị vốn hóa lớn. 

Trước nhất, có thể nói những bất ngờ với khoảng cách quá lớn theo kiểu từ dự báo lỗ, thực tế lãi, hoặc dự báo lãi những thực tế lỗ là rất khó xảy ra với các DN lớn, ở vị thế đầu ngành. Vì thông tin về hoạt động kinh doanh của nhóm này phần nhiều là minh bạch và các chuyên gia phân tích cũng nắm khá sát.

Những kịch bản bất ngờ có thể xảy ra như sau: dự báo lãi ít, nhưng thực tế khả quan hơn, dự báo lỗ, nhưng có thể lỗ ít hoặc hòa vốn… nghĩa là độ chênh lệch thực tế không lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, những điều này hoàn toàn có thể tạo ra kỳ vọng cho các NĐT về khả năng vượt khó của DN, theo đó, một DN được dự báo lãi giảm 30% thực tế chỉ giảm khoảng 10 - 15% có thể cho thấy khả năng sẽ tìm ra được những giải pháp để vượt qua những thách thức. 

Hay như một số ngành nghề theo như tình hình chung thì doanh thu có thể giảm, nhưng nếu DN có thể duy trì được doanh thu khả quan, ngang bằng hoặc chỉ giảm khoảng 10 - 15% so cùng kỳ mọi năm, điều đó cũng cho thấy một sự nỗ lực lớn. Và cơ hội để CP có những diễn biến giá khả quan sẽ nằm ở nhóm bất ngờ này.