Còn ai nhớ cổ phiếu ngành mía đường?

So về tuổi đời, mía đường là một trong những nhóm cổ phiếu (CP) kỳ cựu trên sàn, với thâm niên hàng chục năm. Nhưng dấu ấn mà nhóm CP mía đường tạo ra lại vô cùng mờ nhạt, thua kém nhiều so các nhóm CP “tân binh” khác. Vậy nguyên nhân vì đâu?

Thứ nhất, hiện trong nhóm CP mía đường không có một doanh nghiệp (DN) nào có vốn hóa, hoạt động kinh doanh hoặc thương hiệu vượt trội. Điều này khác hẳn một số nhóm ngành khác, chẳng hạn hàng không có Vietnam Airlines (mã HVN), bảo hiểm có Bảo Việt (mã BVH) hay công nghệ có FPT. Với ngành mía đường, CP nổi bật nhất có chăng là Thành Thành Công - Biên Hòa (mã SBT), tuy nhiên về vốn hóa hiện nay chỉ đạt hơn 8.700 tỷ đồng, trong khi vốn hóa lớn giờ đã phải tính bằng chục nghìn tỷ đồng, mà cụ thể ở đây là 20.000-30.000 tỷ đồng trở lên thì mới xem là có CP “có số, có má”. Thương hiệu của SBT có thể lớn trong ngành mía đường nhưng độ phổ biến với số đông giống như: Hòa Phát (mã HPG) của ngành thép hay May Việt Tiến (mã VGG) thì chưa.

Thứ hai, sự liên quan giữa các DN trong ngành mía đường là khá rời rạc. Mô hình kinh doanh của mỗi đơn vị mỗi khác nên khó tạo ra hệ tham chiếu để đánh giá toàn bộ, ngành. Mà khi đã như vậy thì hiệu ứng sẽ không thể lan tỏa trong từng nhóm cổ phiếu. Đơn cử như Đường Quảng Ngãi (QNS) dù có chân trong ngành mía đường đó nhưng sản phẩm nổi bật lại là… sữa đậu nành Fami. Thậm chí, người ta còn biết Fami nhiều hơn QNS. Còn với SBT hay Đường Lam Sơn (LSS) thì dù được xem là “ông lớn” trong ngành mía đường thì DN này lại chưa có sản phẩm hay dịch vụ nào nổi trội buộc người tiêu dùng phải đưa vào lựa chọn số một.

Thứ ba, nhìn vào thị giá cũng như số lượng của nhóm CP cũng ko thấy quá sôi động. Số lượng mã chứng khoán đã ít, giá lại còn thấp. LSS hiện chỉ có giá hơn 5.000 đồng/CP, SBT được xem là CP “đầu đàn” ngành mía đường thì giá chỉ hơn 16.000 đồng/CP. Còn thấp hơn thị giá của QNS hơn 31.000 đồng/CP hay Đường Sơn La (mã SLS) hơn 40.000 đồng/CP. Thường những CP “đầu đàn” luôn có thị giá không cao nhất thì cũng phải ở “top” đầu. Và dù không nói lên được tất cả thì trong một chừng mực nào đó thị giá cũng cho thấy đẳng cấp của CP và DN.

Một điều rõ ràng là khi một nhóm ngành CP không bộc lộ ra sự hấp dẫn thì sẽ dẫn đến một số hệ quả như: Dòng tiền sẽ chỉ đổ vào một cách đơn lẻ và chọn lọc. Lúc này áp lực lên mỗi DN sẽ phải vận động nhiều hơn để chinh phục các nhà đầu tư. Sự khắt khe từ dòng vốn sẽ ảnh hưởng đến mỗi DN theo từng mức độ khác nhau. Các DN nhỏ và vừa sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để có thể trở thành lớn. Trong khi các DN lớn sẽ phải chứng tỏ mình nhiều hơn nhưng có thể vẫn phải chịu những cái nhìn khắt khe nếu kết quả đem lại không thuyết phục được số đông. Nhất là các DN luôn bất nhất trong kinh doanh, thậm chí gài bẫy cả nông dân như SBT!