Cổ đông “Không ý kiến”

Tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường của một doanh nghiệp (DN) niêm yết đang “ăn nên làm ra” được tổ chức tuần qua, trong khi hầu hết các cổ đông (CĐ) bày tỏ sự đồng thuận với các vấn đề được lãnh đạo DN trình bày thì “bỗng dưng” một CĐ nước ngoài lại có “Không có ý kiến”. 

Phận họp thuê…

Mặc dù “Không ý kiến” là một trong ba tình trạng biểu quyết (cùng với Tán thành và Không tán thành) nhưng một số CĐ cá nhân tham gia ĐHCĐ này đều tỏ ra ngạc nhiên, thậm chí bức xúc với động thái của CĐ “ngoại” này.

Theo lẽ thường, trong một năm 2020 nhiều thách thức, khó khăn, việc DN lãi lớn, vượt kế hoạch chắc chắn sẽ làm hài lòng nhiều CĐ, vì vậy cần tìm hiểu nguyên nhân đằng sau động thái “Không ý kiến”. Thực tế, đây là hiện tượng phổ biến, nhưng chỉ những người trong ngành quản lý quỹ, mà cụ thể là quỹ nước ngoài mới có thể nắm rõ.

“Việc chả có gì to tát vì… người ta chỉ đi họp thuê”, một người có 15 năm làm việc trong ngành quản lý quỹ chia sẻ. Nếu đi dự ĐHCĐ, nhất là của những DN vốn hóa lớn, cơ cấu CĐ đa dạng thì những CĐ “Không ý kiến” dạng này khá nhiều, dù đi dự họp rất nghiêm túc. Nguyên nhân là người đi họp không phải người sở hữu và họ được dặn “Không có ý kiến” dù thâm tâm có muốn nói gì đi nữa. Đó cũng là lý do mà một số nhà đầu tư (NĐT) kỳ cựu biết việc này lại tếu táo rằng, có khi nào DN “làm khó”, yêu cầu người dự họp cho biết vì sao không có ý kiến để xem họ sẽ nói như thế nào.

Nên thận trọng!

NĐT nước ngoài, nếu không mở trực tiếp tài khoản tham gia thị trường Việt Nam, sẽ có một số cách gián tiếp để đầu tư, chẳng hạn thông qua chứng chỉ P-Notes. Hiểu một cách tương đối, NĐT sẽ nhờ một trung gian, chính là định chế tài chính nước ngoài, đang tham gia và có tài khoản chứng khoán tại Việt Nam mua vào cổ phiếu (CP). Và thông thường, với cách làm này thì NĐT nước ngoài cũng chỉ “đánh ngắn”, và cũng có nhiều lý do khác nhau nên chuyện họp hành CĐ, hay biểu quyết các vấn đề của DN không phải là mối bận tâm lớn của họ. Vì vậy, một quy trình được thiết lập ở đây là khi đến kỳ ĐHCĐ, đại diện của bên trung gian sẽ đến họp, nhưng khi biểu quyết thì chọn “Không ý kiến”. Một điều khá thú vị là NĐT nước ngoài cũng phải trả tiền “họp thuê” cho bên trung gian với mức giá phổ biến là 200 USD/lần họp.

Có ý kiến cho rằng, dù sao thì việc đi họp nhưng không ý kiến cũng đỡ hơn… không họp, vì phần lớn nhóm CĐ nước ngoài này sở hữu cổ phần ở mức khá lớn nên cũng có thể tác động phần nào đến tỷ lệ cổ phần có mặt tại đại hội. Thực chất, những DN có kinh nghiệm trong tổ chức ĐHCĐ cũng rà soát cổ đông khá kỹ nên ít bị động trước nhóm CĐ “Không ý kiến”.

Dù vậy, đây cũng là một sự cảnh báo cho cách đánh giá “tây mua vào” mà một số NĐT cá nhân nhỏ lẻ hay mắc phải. Thông thường, nếu một CP nào đó được NĐT nước ngoài gom mua, thường sẽ kéo theo những phán đoán, thậm chí võ đoán phần nhiều là mầu hồng cho cả CP và DN. Nhưng nếu đơn thuần NĐT nước ngoài cũng chỉ mua vào và lướt sóng như NĐT cá nhân thì hành động theo suy đoán có thể dẫn đến rủi ro.

Và trong một chừng mực nào đó, CĐ dự họp lại “Không ý kiến” cũng có thể xem như chưa hết mình vì DN.