Mạng xã hội nỗ lực khôi phục hình ảnh

Mới đây, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) mạng xã hội Twitter, ông Jack Dorsey, tuyên bố sẽ cấm hoàn toàn các nội dung quảng cáo chính trị toàn cầu trên nền tảng này. Ông Dorsey cho rằng, động thái đó sẽ giúp ngăn chặn những hệ lụy khó lường từ quảng cáo chính trị trong thời gian tới.

Biếm họa của GARY MCCOY
Biếm họa của GARY MCCOY

Ngày 30-10 vừa qua, trong một thông báo, ông Jack Dorsey cho biết: “Chúng tôi quyết định dừng tất cả các quảng cáo chính trị trên nền tảng mạng xã hội của Twitter trên toàn cầu”. Quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22-11 tới. Ông Dorsey cho rằng, từ trước đến nay, nhiều người đã lợi dụng việc có thể trả tiền quảng cáo để đăng tải các thông điệp chính trị theo ý muốn. Những nội dung này có thể tác động tới phiếu bầu, gây ảnh hưởng các hoạt động chính trị, khiến cuộc sống của hàng triệu người bị tác động. “Những thông điệp liên quan chính trị cần chiếm được lòng tin của công chúng, không phải là đi mua”, ông Dorsey nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo CEO Twitter, các loại quảng cáo khuyến khích cử tri tham gia bầu cử vẫn sẽ được cho phép. Một bản chính sách đầy đủ sẽ được công bố vào ngày 15-11 tới. Ngoài ra, Twitter sẽ hạn chế các tweet (nội dung) vi phạm quy tắc của các chính trị gia, khiến ít người dùng có thể tiếp cận được với những tweet này. Ngay khi thông báo của Twitter được đưa ra, nhiều người cho rằng, lợi nhuận của Twitter sẽ suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Twitter cho biết, đây là việc làm cần thiết nhằm loại bỏ những nguy cơ tiềm tàng từ hàng loạt quảng cáo chính trị, đặc biệt là những quảng cáo sai sự thật.

Twitter không phải mạng xã hội đầu tiên đưa ra quyết định ngăn chặn quảng cáo chính trị. Trước đó, TikTok - một mạng xã hội của Trung Quốc, cũng khẳng định cấm các quảng cáo tương tự. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng cho rằng trong khi TikTok chỉ là nền tảng quay video giải trí phổ biến nhiều tại châu Á, Twitter lại là mạng xã hội lớn hơn rất nhiều và thường diễn ra các tranh luận về chính trị và văn hóa, nên quyết định của CEO Twitter sẽ lại mang nhiều hiệu ứng hơn.

Động thái của Twitter được đưa ra trong bối cảnh các trang mạng xã hội của Mỹ, trong đó có Facebook, đang phải đối mặt sức ép ngày càng tăng từ giới chức Mỹ nhằm ngăn chặn những nỗ lực làm chệch hướng các cuộc bầu cử bằng các thông tin sai lệch. Chỉ vài tuần trước, CEO của Facebook, ông Mark Zuckerberg tuyên bố sẽ không cấm quảng cáo chính trị sai sự thật vì điều đó vi phạm sứ mệnh thúc đẩy tự do ngôn luận của mạng xã hội này. Trong một thông báo, CEO Facebook cho biết: “Tôi không nghĩ các công ty tư nhân có quyền kiểm duyệt chính trị gia và tin tức”.

“Quảng cáo chính trị” là một thuật ngữ mới xuất hiện trong vòng vài năm trở lại đây. Hoạt động này phổ biến trên các trang mạng xã hội. Theo đó, để có thể đăng tải một nội dung quảng cáo chính trị, các cá nhân, tổ chức cần được mạng xã hội mà họ muốn đăng tin xác nhận ủy quyền. Việc xét duyệt quảng cáo chính trị sẽ tùy theo chính sách của từng quốc gia.

Mạng xã hội nỗ lực khôi phục hình ảnh ảnh 1

Twitter sẽ cấm đăng các quảng cáo liên quan chính trị trên nền tảng của mình. Ảnh: WN

Theo The New York Times, Facebook hiện có nhiều người dùng nhất và cũng là mạng xã hội chứa nhiều nội dung quảng cáo chính trị nhất. Đại diện Facebook từng tiết lộ, từ tháng 5 đến tháng 10-2018, mạng xã hội này thu về tổng cộng 256 triệu USD từ việc phân phối khoảng 1,6 triệu mẩu quảng cáo chính trị. Trong đó, ứng cử viên Beto O’Rourke hiện là người chịu chi nhất khi bỏ ra 5 triệu USD để “chạy” 6.000 quảng cáo trên Facebook nhằm tranh cử vị trí đại diện bang Texas tại Thượng viện Mỹ. Trong khi đó, chiến dịch tranh cử giữa kỳ của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đứng thứ hai với chi phí quảng cáo khoảng 1,9 triệu USD. Ước tính, trong năm 2018, có gần hai tỷ USD được chi cho các mẩu quảng cáo chính trị, các chiến dịch tranh cử rầm rộ trên mạng xã hội và nền tảng số như Facebook, Twitter, YouTube, Snapchat, Instagram…

Tuy nhiên, thời gian qua, quảng cáo chính trị đang vấp phải sự phản đối của dư luận thế giới khi cho rằng sẽ làm thay đổi các hoạt động chính trị, cản trở phát triển văn hóa, xã hội. Nhiều người sử dụng cho rằng, những tư tưởng chính trị sai lệch trên các mẩu quảng cáo có thể làm ảnh hưởng suy nghĩ của số đông người dân.

Ngay ở nội bộ Facebook, mới đây, hàng trăm nhân viên đã cùng nhau ký tên vào một bức thư gửi tới CEO Mark Zuckerberg, trong đó phản đối cách thức mạng xã hội này cho phép các chính trị gia quảng cáo sai sự thật. “Thông tin sai lệch ảnh hưởng tới mọi người. Chính sách kiểm tra thông tin của chúng ta với những người làm chính trị hay đang vận động chính trị là thứ nguy hiểm cho chính Facebook. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ chính sách này”, nhóm nhân viên Facebook bày tỏ.

Ngày 9-9 vừa qua, các cơ quan chịu trách nhiệm giám sát truyền thông của Nga cũng cáo buộc các “ông lớn” công nghệ của Mỹ là Facebook và Google đã cho phép chạy quảng cáo chứa nội dung chính trị trên nền tảng của mình trong suốt thời gian diễn ra các kỳ bầu cử cấp khu vực ở Nga. Những hành động này diễn ra bất chấp việc chính quyền Moscow đã yêu cầu các công ty trên cấm quảng cáo có nội dung tuyên truyền chính trị về bầu cử ở Nga được xuất hiện trên nền tảng. “Những hành động như thế này có thể được xem là động thái can thiệp vấn đề chủ quyền của Nga và cản trở hoạt động bầu cử dân chủ ở Nga”, một đại diện cơ quan trên cho biết.

Mới đây, chính phủ Anh cũng bày tỏ lo ngại việc các nền tảng xã hội tỏ ra dễ dãi trong việc đăng quảng cáo chính trị, khiến tác động kết quả bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 12 tới. Trước đó, Anh cũng từng là nạn nhân của các quảng cáo chính trị sai sự thật trên các nền tảng xã hội trong cuộc trưng cầu ý dân về Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, năm 2016.

Tại Mỹ, ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020, các mạng xã hội đã phải hứng chịu sức ép từ nhiều ứng cử viên và chính trị gia, yêu cầu đưa ra những biện pháp kiểm soát nội dung của không chỉ các quảng cáo mà cả bài viết mang tính chính trị trên nền tảng của mình. Trước đó, trong cuộc bầu cử năm 2016, một số mạng xã hội, đặc biệt là Facebook đã phải đối mặt rất nhiều chỉ trích từ giới chính trị gia và nhà lập pháp Mỹ về việc đã đăng hàng loạt quảng cáo chính trị liên quan cuộc bầu cử.

Trước những động thái mới của Twitter, giới chính khách thế giới đã bày tỏ hoan nghênh, khi cho rằng đây là một hành động “chính nghĩa”. Trong dòng tweet mới nhất của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton, bà gọi việc Twitter ngăn chặn quảng cáo chính trị là sự đóng góp cho nền dân chủ Mỹ. Trong khi đó, giới phân tích cũng đánh giá đây là “lần đầu một mạng xã hội lớn hành động trước những lo ngại về sự hỗn loạn mà mạng xã hội có thể gây ra”, đồng thời góp phần khôi phục hình ảnh và lòng tin của người dùng.