Cuộc cạnh tranh về năng lượng nguyên tử

Từ nhiều thập niên trước, Mỹ được xem là quốc gia xuất khẩu năng lượng hạt nhân hàng đầu. Tuy nhiên hiện nay, nước này lại phải đối mặt sự cạnh tranh gay gắt từ một số quốc gia khác, trong đó có Nga và Trung Quốc, khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiều lần “đứng ngồi không yên”.

Các công ty sản xuất năng lượng hạt nhân của Mỹ phải phụ thuộc nguồn nhiên liệu từ Nga. Ảnh: AP
Các công ty sản xuất năng lượng hạt nhân của Mỹ phải phụ thuộc nguồn nhiên liệu từ Nga. Ảnh: AP

Mỹ mất vai trò “cầm trịch”

Theo Reuters, Mỹ dường như đã mất đi lợi thế cạnh tranh của “một nhà lãnh đạo toàn cầu về năng lượng hạt nhân”, trong khi Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác đang nỗ lực vượt lên. Mới đây, tờ Quan điểm của Nga cho biết, là nơi sáng lập ngành năng lượng hạt nhân, đến nay Mỹ có nhiều lò phản ứng hạt nhân nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Mỹ đã ngừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Từ năm 1996 đến nay, chỉ có một tổ hợp năng lượng hạt nhân được xây dựng, nhưng không phải xây mới từ đầu, mà chỉ là nâng cấp từ cơ sở cũ. Trong bối cảnh việc mất đi vị thế “thống lĩnh” trong lĩnh vực này có thể đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của “xứ cờ hoa”, Bộ Năng lượng Mỹ khẩn trương đề xuất chiến lược khôi phục vai trò “cầm trịch” của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Dù vậy, giới chuyên gia nhận định, Mỹ đang vấp phải vấn đề với việc tự sản xuất urani, cụ thể hơn là việc làm giàu urani và tự mình xây dựng nhà máy hạt nhân mới. Theo thống kê chính thức, năm 2018, các công ty nước ngoài tham gia làm giàu 52% lượng urani cho Mỹ, 48% còn lại do công ty của Mỹ thực hiện. Song nhiều khả năng đây lại là một thủ thuật thống kê, bởi các công ty của Mỹ thật ra chỉ là “vỏ bọc” của một nhà máy châu Âu (thuộc Tập đoàn URENCO) được xây dựng trên lãnh thổ Mỹ. Người Mỹ không có quyền tiếp cận các công nghệ được lắp đặt tại nhà máy này. Đã có thời điểm, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) cũng có ý định xây dựng một nhà máy làm giàu urani ở Mỹ. 

Để sản xuất nhiên liệu hạt nhân, việc khai thác urani là chưa đủ mà Mỹ cần mua thêm urani. Lượng urani khai thác ở Mỹ đã giảm một cách đáng kể xuống chỉ còn từ 5 - 10%. Công đoạn tiếp theo là làm giàu urani, rất tốn kém và phức tạp về mặt công nghệ. Một công ty làm giàu urani phải có công nghệ và thiết bị tinh vi. Gần như ngay sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ đã bắt đầu sử dụng các dịch vụ của Nga để làm giàu urani. Hằng năm, khối lượng urani từ Nga xuất sang Mỹ liên tục tăng. 

Thông thường sau khi làm giàu, urani sẽ được chuyển sang trạng thái phù hợp để có thể chế thành thanh nhiên liệu hạt nhân. Công ty Westinghouse của Mỹ, nơi sản xuất nhiên liệu hạt nhân, phải phụ thuộc vào các dịch vụ làm giàu urani, trong đó có các dịch vụ do Nga cung cấp, cho dù Westinghouse đang cố gắng thay thế nhiên liệu của Nga. Theo báo cáo năm 2019 của Bộ Năng lượng Mỹ, hiện nước này gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung urani từ nước ngoài, mà phần lớn trong số đó đến từ các công ty “con” của Rosatom (Nga). Trong khi đó, Mỹ không chỉ dần đánh mất khả năng tự khai thác urani và năng lực làm giàu urani trên quy mô thương mại, mà còn tụt hậu so với Nga trong việc xây dựng các lò phản ứng. 

Ngoài ra, các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ cũng gần hết hạn sử dụng, khiến thị trường Mỹ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty hàng đầu của Nga và châu Âu, thậm chí là cả Trung Quốc - quốc gia đang gia tăng sức mạnh trên thị trường này. Thông tin từ Rosatom cho biết, Nga đang tích cực xây dựng các nhà máy điện hạt nhân của mình tại nhiều khu vực trên thế giới. Danh mục đơn đặt hàng từ nước ngoài dành cho Nga trong thời gian 10 năm tới có giá trị lên đến 140 tỷ USD. Ưu điểm của Rosatom trên thị trường thế giới là phía Nga sẵn sàng đảm nhiệm mọi khâu, từ xây dựng đến tài trợ tín dụng, cung cấp nhiên liệu, đào tạo chuyên gia địa phương, sửa chữa, cuối cùng là xử lý nhiên liệu hạt nhân trong suốt thời gian hoạt động của lò phản ứng (từ 40 - 60 năm).

Cạnh tranh khốc liệt

Giới chức Mỹ nhiều lần kêu gọi chính quyền nước này để mắt tới Nga và Trung Quốc, bởi từ lâu Nga đã vượt Mỹ trong lĩnh vực hạt nhân khi xét tới một số mục tiêu, đặc biệt là thương mại, trong khi Trung Quốc có những bước phát triển nhảy vọt. Trên thực tế, không phải đến nay Mỹ mới tụt hậu so Nga trong lĩnh vực hạt nhân. Gần ba năm trước, hai công ty chuyên sản xuất urani của Mỹ là Energy Fuels và Ur-Energy cảnh báo tỷ lệ urani mà Mỹ tự sản xuất đã giảm mạnh. Họ đề nghị Tổng thống Donald Trump đặt ra hạn ngạch 25% cho urani có nguồn gốc từ Mỹ và áp thuế đặc biệt đối với urani nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, ông Trump từ chối áp đặt các hạn chế, thay vào đó thành lập một nhóm chuyên gia về nhiên liệu hạt nhân, có nhiệm vụ làm rõ về vai trò lãnh đạo của Mỹ trong ngành công nghiệp hạt nhân. 

Theo TASS, Trung Quốc đang xây dựng nhiều lò phản ứng trên lãnh thổ của nước này hơn bất kỳ quốc gia nào khác, trong khi các công ty hạt nhân bắt đầu thâm nhập thị trường quốc tế ở Pakistan, Argentina và Anh. Theo thống kê, Trung Quốc đã xây dựng 48 tổ máy, trong đó 45 tổ máy được xây dựng trong 20 năm qua và không định dừng lại. Trong khi đó, Tập đoàn Rosatom xuất khẩu lò phản ứng cho các nhà máy ở Đông Âu, Ấn Độ, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nhắm tới các thị trường khác ở Trung Đông và châu Phi. Trong bối cảnh đó, nhằm lấy lại vị thế của mình, chính quyền Mỹ từng bước triển khai các quyết sách mới. Đối với Trung Quốc, trong lĩnh vực hạt nhân, Mỹ đang hành động một cách rất quyết liệt. Đây là xu hướng chung của cuộc “so găng” căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc, không chỉ trong lĩnh vực nguyên tử mà còn cả chính trị, kinh tế, ngoại giao... Mặt khác, năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình ở Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, theo nhiều hướng khác nhau, và dự báo Trung Quốc sẽ sớm trở thành đối thủ của Mỹ. 

Đối với Nga, Mỹ từ lâu bí mật tìm cách kiềm chế các nhà sản xuất năng lượng nguyên tử từ Nga, ngăn không để họ chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường Mỹ. Thí dụ, khác với Tập đoàn URENCO của châu Âu, Rosatom không được phép xây dựng nhà máy làm giàu urani tại Mỹ. Tiếp đó, lượng urani đã làm giàu mà Nga có thể cung cấp cho Mỹ từ lâu bị giới hạn ở mức 20% nhu cầu urani của Mỹ. Đó là lý do tại sao Tập đoàn URENCO đang thực hiện việc làm giàu gần 50% nhu cầu uranium của Mỹ, trong khi Nga chỉ chiếm 20% thị phần. Chưa hết, Bộ Năng lượng Mỹ còn đang yêu cầu cắt giảm hạn ngạch này kể từ năm 2021. Giới phân tích nhận định, điều đáng nói là Mỹ đưa ra những hạn chế kể trên từ trước khi áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga năm 2014 (khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga), trong khi chính Mỹ lại theo đuổi chiến lược toàn cầu hóa và tự do hóa thị trường trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 

Ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Mỹ đã tiến hành cuộc điều tra chống bán phá giá, kết quả là Nga chỉ được phép cung cấp lượng urani làm giàu theo đúng Thỏa thuận liên chính phủ giữa Nga và Mỹ ký ngày 18-2-1993 về tái chế urani. Lượng urani còn lại phải chịu thêm thuế nếu xuất khẩu. Sau đó, Mỹ áp đặt hạn ngạch 20% đối với urani làm giàu từ Nga. Hiệu lực của các hạn ngạch này sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Giới chuyên gia cũng nhấn mạnh, Mỹ lo lắng Rosatom sẽ sớm hoàn thành dự án mang tên “TV-Kvadrat” nhằm phát triển các tổ máy sản xuất nhiên liệu cho các lò phản ứng theo thiết kế của châu Âu, dự kiến được sử dụng cho các nhà máy điện hạt nhân Mỹ.

Về lý thuyết, từ năm 2021, Nga có thể đàm phán tăng nguồn cung urani đã làm giàu cho Mỹ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có cho phép Nga làm điều đó hay không, bởi Washington đã không cho Nga cơ hội tương tự kể từ những năm 1990 đến nay. Trong báo cáo của mình, Bộ Năng lượng Mỹ đã kêu gọi gia hạn hợp đồng với Nga, song yêu cầu giảm hạn ngạch. Do đó, việc Nga và Trung Quốc tăng cường phát triển kho năng lượng hạt nhân đang khiến chính quyền Mỹ “đứng ngồi không yên”.