“Sốt đất” chỉ ở miệng “cò”

Khi nhu cầu về chỗ ở của người dân Thủ đô vẫn rất lớn thì chuyện giá đất tăng là điều khó tránh khỏi. Chỉ có điều, giá đất tại một vài thời điểm ở một số khu vực đôi khi bị đẩy lên cao hơn nhiều so giá trị thực tế.

Nhà đầu tư bất động sản xuất hiện tại các vùng ven đô khiến giá trị đất đai tăng cao. Ảnh: NG.HẢI
Nhà đầu tư bất động sản xuất hiện tại các vùng ven đô khiến giá trị đất đai tăng cao. Ảnh: NG.HẢI

Đua nhau “thổi giá”

Những năm trở lại đây, khi nhà ở trong khu vực nội thành ngày càng ít và giá cả tăng dần lên, những khu vực ngoại thành là mục tiêu được hướng đến của không ít người. Đây là điều dễ hiểu, bởi giá đất tại các huyện ngoại thành thường thấp hơn rất nhiều so các quận trung tâm. Trước đây, giá đất trong các thôn, ngõ chỉ từ 20 - 25 triệu đồng/m2 đã có thể giúp nhiều người sở hữu được một chốn an cư, thì nay có nơi đã tăng lên gấp vài chục lần, khiến giấc mơ an cư của một số người phải dừng lại.

Tại khu vực quận Hoàng Mai và Thanh Trì, giá nhà ở trong khu dân cư đã tăng từ 3 - 5%, dao động khoảng 40 - 55 triệu đồng/m2 (nhà mặt ngõ) và từ 80 - 150 triệu đồng/m2 (nhà mặt đường). Tại một số xã Tứ Hiệp, Đông Mỹ (huyện Thanh Trì), giá đất nền mặt ngõ tăng từ 20 triệu đồng/m2 lên 25 - 30 triệu đồng/m2. Trong khi đó, một số lô đất có mặt tiền giáp với quốc lộ 1A cũng đã tăng từ 50 triệu đồng lên 55 - 70 triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Tương tự Thanh Trì, giá đất tại huyện Hoài Đức cũng đang bị đẩy giá nhanh vào đầu quý IV - 2020. Trong đó, các lô đất chạy dọc quốc lộ 32 đang là “điểm nhấn” của khu vực này với mức tăng hơn 10% so nửa năm trước. Một số xã như Kim Chung, Đức Thượng và thị trấn Trạm Trôi, giá đất mặt đường đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2, thậm chí có nơi chủ đất còn “hét giá” tới 150 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, giá đất nền và đất dự án ở chung quanh đại lộ Thăng Long, khu vực Hòa Lạc cũng rục rịch tăng giá sau gần 10 năm “đóng băng”. Đặc biệt, có một số dự án đô thị bỏ hoang từ lâu như KĐT Kim Chung - Di Trạch cũng bắt đầu “nóng” trở lại, giá đất tăng hơn 40 - 65 triệu đồng/m2

Anh Nguyễn Văn Cường (thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức) cho biết, từ khi có thông tin lên quận, đất mặt tiền ở khu vực này đã tăng “phi mã” so những năm trước, ít nhất gần 100 triệu đồng/m2, dù khoảng đầu năm 2018, giá đất ở đây chỉ 60 - 80 triệu đồng/m2. Không những vậy, hiện nay giá đất ở các vùng nông thôn, xa khu trung tâm thị trấn Trạm Trôi cũng bị “thổi phồng” lên rất nhiều.

Cần thận trọng đầu tư

Theo giới kinh doanh BĐS, giá nhà đất tăng mạnh vào cuối năm đã trở thành thông lệ. Bởi thời điểm này, nhu cầu mua nhà để ở và nhu cầu đầu tư tăng cao. Ngoài ra, một lý do khiến đất ven đô tăng giá bởi đây là những địa phương có chủ trương phát triển thành quận, có sự quan tâm nghiên cứu đầu tư của những nhà phát triển BĐS lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế theo ghi nhận thì chưa nhiều địa phương có sự đầu tư lớn, đủ điều kiện để nâng cấp thành quận, đô thị. Do vậy, thời điểm bao giờ được công nhận trở thành quận ở những huyện ngoại thành trở nên khó xác định, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội vẫn chưa có các động thái quyết liệt hỗ trợ dự án phát triển đô thị tại những nơi này. Vì thế, không có gì lạ khi các nhà đầu tư BĐS xuất hiện tại các vùng nông thôn đã khiến giá trị đất đai trong khu vực bỗng nhiên “nhảy múa”, gây ra sự đảo lộn thị trường nhà đất. 

Mặc dù ngay trong thời kỳ dịch Covid-19 hoành hành, nhiều người đã chứng kiến “cơn sốt” đất “ảo” xảy ra tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất (Hà Nội), ăn theo thông tin về hai dự án của VinGroup đề xuất nghiên cứu, triển khai. Giá đất ven khu vực dự án tăng chóng mặt, “cò” tạo sóng đẩy giá khiến không ít người bị thua lỗ, vì chỉ sau vài tuần giá đất đã trở về với điểm xuất phát ban đầu.

Tại Thanh Trì, vào khoảng tháng 6, khu vực này bỗng nhiên xuất hiện thông tin sẽ được lên quận sớm hơn dự tính (năm 2025), thế nên nhiều “cò” đất, đầu nậu đã tranh thủ cơ hội này để đẩy giá đất lên cao. Về vấn đề này, tại một báo cáo của Bộ Xây dựng cũng đã chỉ ra việc giới đầu cơ BĐS hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị… nhằm đẩy giá lên cao, thu lợi bất chính. Việc giá BĐS tại nhiều khu vực nông thôn được đẩy lên ngưỡng cao quá nhanh trong khi giao dịch thật (mua để ở, kinh doanh) khá ít, chủ yếu là đầu cơ đang tiềm ẩn nguy cơ “bong bóng”, làm méo mó thị trường và ảnh hưởng môi trường đầu tư của các địa phương.

Hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS) nhận định, nhờ đón làn sóng đầu tư mới, thị trường BĐS Hà Nội có thể khởi sắc vào ba tháng cuối năm 2020. Tuy nhiên, sau những bài học từ “cơn sốt” nhà đất tại Đông Anh, Thạch Thất, Ứng Hòa hơn chục năm trước, nhà đầu tư nên thận trọng khi “đón sóng” đất ven đô bởi đôi khi, “sốt đất” chỉ ở miệng “cò”.