Hà Nội cắt giảm sử dụng đồ nhựa

Để giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa trong sinh hoạt, theo Kế hoạch phòng, chống rác thải nhựa và túi nylon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, TP Hà Nội đặt mục tiêu các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc sẽ không sử dụng túi nylon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần vào cuối năm 2019.

Một số cơ quan hành chính đang triển khai thay thế chai nhựa đựng nước bằng chai thủy tinh.
Một số cơ quan hành chính đang triển khai thay thế chai nhựa đựng nước bằng chai thủy tinh.

Trước đó, từ ngày 1-9, các đơn vị hành chính nhà nước, cơ quan, đoàn thể của thành phố cắt giảm sử dụng những sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời, sẽ hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy bắt đầu từ tháng 11. Bên cạnh đó, thay đổi thói quen, giảm dần việc sử dụng túi nylon khó phân hủy, đồ nhựa sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Rác thải nhựa đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Theo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, nước ta đã đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu đến năm 2020 giảm 50% lượng nylon khó phân hủy sử dụng tại các khu chợ dân sinh. Theo Sở Công thương Hà Nội, mỗi ngày, thành phố phát sinh hơn 500 tấn rác thải nhựa, chủ yếu trong hoạt động sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng. Trong đó, các loại bao bì nylon, đồ sử dụng một lần, ống hút, chai, cốc nhựa dùng trong ăn uống, dịch vụ chiếm số lượng nhiều nhất.

Vì vậy, kế hoạch trên được UBND TP Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng đối với công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 bằng cách tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của túi nylon và chất thải nhựa; khuyến khích, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường tới từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch, khu danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử...; tổ chức phát động một số cuộc thi trên địa bàn tìm hiểu về tác hại của rác thải nhựa, túi nylon đối với môi trường, ảnh hưởng của rác thải nhựa đến sức khỏe con người và đề xuất các giải pháp giảm thiểu; giới thiệu các mô hình tiên tiến về thu gom, tái chế về giảm thiểu chất thải nhựa, mô hình nền kinh tế tuần hoàn trong đó chuỗi sản xuất vận hành theo chu trình khép kín hầu như không phát sinh rác thải, chất thải ra môi trường.

Cùng với đó, để giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa và túi nylon khó phân hủy trong sinh hoạt, TP Hà Nội yêu cầu tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị không sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích 330 - 500 ml), chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (>20 lít) hoặc sử dụng các bình thủy tinh, chai đựng nước bằng giấy... và các vật liệu khác thân thiện môi trường; không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa, khuyến khích, phát động phong trào mỗi cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng vận động người thân cùng tham gia thực hiện “Nói không với túi nylon khó phân hủy, sử dụng một lần và hạn chế với sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần”; chỉ đạo các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi nhà hàng, khách sạn trên địa bàn cam kết cùng nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa bằng các hành động thiết thực, phấn đấu đến ngày 31-12-2020 giảm đến mức thấp nhất các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa trên địa bàn.