Để chấm dứt đại dịch HIV/AIDS

Số liệu tại hội nghị “Tổng kết hành trình 30 năm phòng, chống HIV/AIDS và cơ hội kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 tại TP Hồ Chí Minh” cho thấy, mỗi năm, toàn thành phố phát hiện khoảng 5.500 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có khoảng 3.300 người thường trú trên địa bàn. Ngoài ra, còn có hơn 5.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện.

Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV.
Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh vào năm 1990, đến nay cả nước có hơn 320.000 người nhiễm HIV, trong đó 107.000 người chết. Riêng TP Hồ Chí Minh chiếm một phần tư số người nhiễm HIV của cả nước và là nơi có số người nhiễm HIV cao nhất nước.

Trải qua 30 năm tích cực kiểm soát tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, tuy đạt nhiều thành công, nhưng hiện nay TP Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn mới trong hành trình chống HIV/AIDS. Đặc biệt, kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, việc kiểm soát lây nhiễm HIV càng trở nên khó khăn hơn. Số liệu của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ước tính, có khoảng 5.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện, trong đó khoảng 30% là người có tải lượng virus cao, nguy cơ lây bệnh cho người khác. Mặt khác, đối tượng nguy cơ nhiễm HIV hiện nay thay đổi, gia tăng ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới, lưỡng giới. Ngoài ra, không ít đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV là những người có vị trí xã hội nên rất khó tiếp cận.

Theo đó, để tiến tới chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào những người nguy cơ cao bằng cách đẩy mạnh các dịch vụ dự phòng, tăng cường xét nghiệm, điều tra, truy vết, điều trị ARV, quản lý tốt hồ sơ người nhiễm bệnh. Trên địa bàn hiện có 145 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, 24 cơ sở điều trị Methadone tham gia điều trị cho khoảng 5.400 người. Cùng với đó, để quản lý tốt người nhiễm HIV cũng như phát hiện nguồn lây đến từ tỉnh, thành khác, thành phố sẽ đẩy mạnh liên kết vùng để chặn đứt nguồn lây truyền trong cộng đồng.

Không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh mà Việt Nam đang hướng tới mục tiêu có thể chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Để đạt mục tiêu này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Cục đang phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Trên cơ sở đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS phù hợp tình hình mới, thông qua các chương trình cụ thể như: Đẩy mạnh các biện pháp giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao; mở rộng loại hình xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng; người nhiễm HIV được tạo điều kiện để điều trị ngay và điều trị trong ngày, cấp phát thuốc nhiều tháng, điều trị đồng nhiễm lao, viêm gan... Trong đó, biện pháp giám sát dịch bệnh HIV/AIDS sẽ dựa vào ca bệnh, theo dõi liên tục người nhiễm từ khi xét nghiệm chẩn đoán đến khi người bệnh được điều trị ổn định và theo dõi đến khi một người tử vong (nếu xảy ra).

Tất cả các giải pháp triển khai đồng bộ nói trên được kỳ vọng sẽ bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS, cũng như mở ra cơ hội lớn chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, với mục tiêu số người nhiễm HIV mới giảm dưới 1.000 ca/năm trên phạm vi cả nước.