Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước

Sinh thời, Bác Hồ luôn coi trọng việc tổ chức, động viên phong trào thi đua yêu nước. Người coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của mọi thời kỳ cách mạng, bởi đó chính là nền tảng, là động lực của sự phát triển, là nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Với những thành quả to lớn đóng góp vào công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phong trào thi đua yêu nước đã trở thành truyền thống với nhiều kinh nghiệm, bài học mang tính văn hóa – xã hội, nhân văn sâu sắc, đặc biệt từ những lời căn dặn, đúc kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phong trào thi đua luôn được triển khai tại các doanh nghiệp.
Phong trào thi đua luôn được triển khai tại các doanh nghiệp.

Với tinh thần “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất” (1), ngày 1-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 195-SL thành lập Ban vận động thi đua ái quốc và Sắc lệnh số 196-SL quy định thành phần Ban vận động thi đua ái quốc nhằm xây dựng bộ máy chuyên trách về thi đua. Ngày 11-6-1948, Người ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước. Nghiên cứu những bài nói, bài viết và sự chỉ đạo thực tiễn của Người về thi đua yêu nước, thấy nổi lên ba vấn đề cơ bản sau đây:

Một là, thi đua yêu nước phải lấy tinh thần yêu nước làm gốc

Ngay từ khi phát động thi đua ái quốc, để đáp ứng tình hình kháng chiến kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu mục đích của thi đua lúc này là để diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Muốn đạt mục đích ấy, thì bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, không phân biệt già, trẻ, trai, gái, giàu, nghèo, lớn, nhỏ tùy theo điều kiện, khả năng, ai cũng đều cần phải thi đua. Người viết: “các phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc; các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn; đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp, đồng bào công nông thi đua sản xuất; đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh, nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân; bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng” (2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để thi đua ái quốc trở thành phong trào quần chúng “rộng và sâu”, thì trước hết phải “lấy tinh thần yêu nước làm gốc”. Bởi lẽ, không chỉ thi đua trong kháng chiến, mà vô luận trong thời kỳ nào cũng phải thi đua và thi đua nhất định phải dựa trên cơ sở tinh thần yêu nước của cả dân tộc. Với tinh thần ấy, nhất định “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mỗi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng” (3).

Đánh giá về sự phát triển sâu rộng và ý nghĩa to lớn của phong trào thi đua yêu nước, tháng 3-1964, báo cáo tại Hội nghị chính trị đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Phong trào thi đua yêu nước đang động viên nhân dân ta phát huy nhiệt tình cách mạng và sức lao động sáng tạo…” (4), những thành quả mà phong trào thi đua yêu nước đem lại đã đưa đất nước ta tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử dân tộc, làm cho “đất nước, xã hội, con người đều đổi mới” (5).

Hai là, công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua

Mục đích của thi đua rất cao cả, nhưng không phải cao xa, khó hiểu, khó làm, mà trong mọi việc đều có thi đua. Thi đua từ những việc rất nhỏ, rất quen thuộc hằng ngày như ăn mặc cho hợp thời, hợp cách, ở cho sạch, cho hợp vệ sinh, thi đua trong lao động tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, thi đua trong học tập, trong rèn luyện và chiến đấu, trong phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động… và như thế “công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua” (6), dựa vào đó mà phát động mọi phong trào.

Mỗi phong trào thi đua, dù nhỏ, đều phải được lãnh đạo, tổ chức tốt, có trọng tâm, trọng điểm, có chương trình, kế hoạch cụ thể. Vì thế, việc đặt ra mục tiêu của thi đua phải gắn liền với nhiệm vụ hằng ngày, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị cho từng thời kỳ, từng giai đoạn của cách mạng.

Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, khả năng của mỗi nơi mà đặt ra kế hoạch cho phù hợp, sát thực. Kế hoạch phải đầy đủ, cụ thể, đúng mức, tránh phô trương, hình thức. Không nên đặt ra kế hoạch quá to, nêu mục tiêu quá lớn, có phát mà không động, gây nên sự tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của dân, của nước. Khi đã có kế hoạch rồi thì phải đem ra bàn bạc một cách dân chủ, kỹ lưỡng, theo phương châm: kế hoạch 1, quyết tâm 10, biện pháp phải 20, để cùng nhau tìm ra biện pháp thực hiện hiệu quả. Có như vậy mới làm cho “mọi người đều hiểu, mọi người đều vui lòng nhận và quyết tâm làm cho kỳ được”, “kết quả mới đầy đủ, tốt đẹp” (7). Và, trong thi đua cũng giống như những việc khác “cần phải có cán bộ được huấn luyện hẳn hoi” (8), bởi đó chính là cái gốc của mọi công việc, của mọi phong trào.

Ba là, thi đua phải luôn gắn liền với việc tổng kết, đánh giá và khen thưởng kịp thời

Thi đua là quá trình tổ chức, động viên mỗi người, mỗi cơ quan đơn vị nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi những mục tiêu thi đua đã đặt ra. Trong quá trình ấy, nhiều khó khăn, thuận lợi, cả những mặt tốt lẫn xấu đều nảy sinh, phát triển… Có thường xuyên tổng kết, đánh giá thì mới có thể biết được những mặt tốt, mặt xấu và kết quả của phong trào. Từ đó, mới rút ra được những bài học kinh nghiệm. Đây chính là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và thường xuyên nhắc nhở các ngành, các cấp, các địa phương: “Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi” (9).

Ngày 26-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quốc lệnh quy định những trường hợp thưởng và phạt. Quan điểm cơ bản của văn kiện này nêu rõ: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công” (10). Việc thưởng - phạt nghiêm minh, trong đó, khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ có tác dụng khuyến khích mọi người hăng hái tham gia phong trào thi đua, phấn đấu làm tròn nhiệm vụ được giao.

Đồng thời với việc biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu được xây dựng, bình chọn qua các cấp, các ngành mà còn phải biểu dương, khen thưởng kịp thời những gương “người tốt, việc tốt” trong cuộc sống hằng ngày. Điều này đã động viên, khích lệ kịp thời hàng nghìn gương “người tốt, việc tốt”. Người coi đó là một trong những cách tốt nhất “để hằng ngày giáo dục lẫn nhau”, “để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” (11).

Từ những định hướng cơ bản nêu trên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, mỗi giai đoạn, mỗi nhiệm vụ cách mạng một phong trào cụ thể, một nội dung thi đua thiết thực, một cách làm phù hợp và sáng tạo, phong trào thi đua yêu nước đã động viên mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết một lòng, phát huy tài năng sáng tạo, tháo gỡ khó khăn… đã nhân lên gấp bội sức mạnh tinh thần - vật chất của cả dân tộc, đưa cách mạng nước ta vững bước tiến lên, liên tiếp đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.472.

(2), (3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, sdd, t.5, tr.445.

(4), (5). Hồ Chí Minh: Toàn tập, sdd, t.11, tr.226, 224.

(6). Hồ Chí Minh: Toàn tập, sdd, t.5, tr.568.

(7). Hồ Chí Minh: Toàn tập, sdd, t.6, tr.303.

(8). Hồ Chí Minh: Toàn tập, sdd, t.5, tr.522.

(9). Hồ Chí Minh: Toàn tập, sdd, t.5, tr.522.

(10). Hồ Chí Minh: Toàn tập, sdd, t.4, tr.189

(11). Hồ Chí Minh: Toàn tập, sdd, t.12, tr.558.