Ấn tượng tốt đẹp về một Chính phủ kiến tạo

Trong nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã chủ động nắm bắt tình hình, chỉ đạo, điều hành sâu sắc, quyết liệt và đạt nhiều kết quả to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. Các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) kỳ vọng, Chính phủ nhiệm kỳ tới tiếp tục là một Chính phủ kiến tạo, phát triển phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN), tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh cho khởi nghiệp sáng tạo.

ĐB Hà Thị Lan (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) phát biểu ý kiến tại hội trường. Ảnh: TTXVN
ĐB Hà Thị Lan (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) phát biểu ý kiến tại hội trường. Ảnh: TTXVN

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, QH khóa XIV, ngày 29-3, QH thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ. Bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua, theo ĐB Đỗ Thị Lan (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh), trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật được Chính phủ quyết tâm thực hiện, tháo gỡ kịp thời nhiều vướng mắc, bất cập, điều chỉnh vấn đề mới đặt ra trong yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị toàn quốc về hoàn thiện thể chế, chỉ đạo rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, xây dựng và trình QH thông qua 72 luật, sửa đổi nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn hay những vướng mắc không còn phù hợp thực tiễn.

Nhắc tới các điểm sáng như hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính (TTHC)… ĐB Hà Thị Lan (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) nhận định, có ba đột phá chiến lược được xem là ưu tiên cao của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua, tạo ra nhiều dấu ấn về hoàn thiện thể chế, giải quyết việc làm cho nhân dân. Chính phủ đã cơ cấu lại nền kinh tế năng động hơn, hiệu quả hơn. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế… đã có nhiều đổi mới, đặc biệt trong dịch Covid-19 đã huy động được sự ủng hộ của người dân, phát huy được sức mạnh nội sinh của dân tộc. Công tác môi trường, phòng, chống tham nhũng được quan tâm thường xuyên, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Cử tri phấn khởi vì một Chính phủ quyết liệt, vì dân. Trong dịch Covid-19, tinh thần đó đã lan tỏa khắp các địa phương. Tuy nhiên, cử tri vẫn băn khoăn về một số vấn đề trong TTHC, nhiều vụ việc người dân vẫn phải làm đơn xin, đơn đề nghị chứ không phải là được phục vụ; vấn đề quản lý đất đai, tài sản công; khai thác cát sỏi lòng sông…

Có cùng quan điểm này, ĐB Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, các chỉ số liên quan kinh tế vĩ mô trong nhiệm kỳ qua cho thấy nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong điều hành, chỉ đạo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề trong thể chế quản lý đầu tư công (ĐTC) còn bất cập, đặc biệt là khâu lập, lựa chọn, thẩm định, đánh giá hiệu quả ĐTC. Những năm qua, tỷ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước tăng, vốn ngân sách được sử dụng như “vốn mồi” để kích hoạt, huy động mạnh mẽ nguồn lực bên ngoài để tham gia phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư chưa được như kỳ vọng. Do đó, đây là vấn đề cần đặt ra trong nhiệm kỳ tới, cụ thể, cần có các giải pháp đổi mới toàn diện, đồng bộ các luật về luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, quy hoạch. Lĩnh vực ĐTC cần tạo động lực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, xử lý kịp thời, nhanh chóng về thủ tục liên quan triển khai các dự án đầu tư.

Bày tỏ sự tán thành ý kiến của báo cáo và đánh giá của Chính phủ, ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, Chính phủ nhiệm kỳ này là một Chính phủ có khát vọng vì một Việt Nam hùng cường với hình ảnh của một vị Thủ tướng xông xáo, năng động. Tính chủ động, chủ công của Chính phủ được thể hiện rất nổi bật trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh thế giới đang lúng túng ứng phó đại dịch, Việt Nam đã có những cách thức chống dịch rất đặc biệt tự chủ và tự lực và điều này cần tiếp tục được thể hiện. Do đó, trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ nên quan tâm ba vấn đề. Thứ nhất, tăng cường xây dựng thể chế, đặc biệt là công tác nhân sự. Đây phải được coi là một khâu đột phá. Thứ hai, Chính phủ cần quan tâm, phát huy dân chủ trên mọi lĩnh vực, trong đó cần coi trọng đặc biệt công tác phát hiện, phát huy và trọng dụng nhân tài với tầm nhìn dài hạn; huy động được các nguồn lực xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững. Thứ ba, Chính phủ cũng cần quan tâm, củng cố các quan hệ đạo đức văn hóa, xã hội, thậm chí pháp điển hóa để xử lý, giải quyết căn cơ tình trạng xuống cấp về đạo đức, văn hóa, lối sống. 

Ấn tượng với những kết quả Chính phủ đạt được trong 5 năm qua với ba khâu đột phá, đặc biệt, là ấn tượng về một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, quyết liệt và phục vụ nhân dân; về một Chính phủ với nhiều quyết tâm lớn, trong đó có quyết tâm xây dựng một Chính phủ không tham nhũng; một Chính phủ nói đi đôi với làm, Chính phủ gần dân, sát dân, quan tâm, giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng, bức xúc, những vấn đề phát sinh liên quan đời sống của nhân dân; một Chính phủ quyết tâm phục vụ vì nhân dân.

Nhưng ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị khắc phục bệnh hình thức, bệnh thành tích trong đánh giá hiệu quả công tác điều hành của Chính phủ, cũng như trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội... Đối với việc xây dựng Chính phủ liêm chính, phục vụ nhân dân, trên thực tế chất lượng dịch vụ công ở đâu đó vẫn còn hạn chế, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức vì lợi ích cá nhân chi phối, được gọi là “công bộc” của dân nhưng chưa thật sự toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Một số cơ quan hành chính nhà nước cũng đang bị đánh giá là hành dân là chính. Nạn tham nhũng vặt đặc biệt vẫn tiếp tục làm xấu hình ảnh công chức, hình ảnh cơ quan hành chính nhà nước.