Với RSF, báo chí chỉ là một chiêu bài!

Ngay sau khi tổ chức “phóng viên không biên giới” (RSF) công bố cái gọi là “báo cáo tự do báo chí năm 2019” vào ngày 18-4, trong đó đưa ra một số luận điệu bịa đặt, nhảm nhí, tùy tiện về tình hình báo chí tại Việt Nam, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí liền vội khai thác, cùng nhau la lối.

Sự kiện này không có gì là mới mẻ, vì năm nào RSF cũng sản xuất một văn bản tương tự và hết năm này sang năm khác, phần đề cập tình hình báo chí Việt Nam vẫn chỉ lặp đi lặp lại mấy thứ luận điệu cũ rích, phản báo chí.

Tuy nhiên, có lẽ vì luận điệu bịa đặt, nhảm nhí, tùy tiện trong “báo cáo về tự do báo chí năm 2019” của RSF đã quá nhàm chán, không thể thuyết phục nên ngày 19-4, khi trả lời phỏng vấn của VOA, ông D. Bastard - đại diện RSF ở Paris (Pháp), cố tăng sức nặng bằng cách dựa theo tin giả trôi nổi trên internet để vu cáo “Việt Nam không thiết gì đến luật pháp quốc tế khi cả gan bắt cóc một nhà báo công dân bên ngoài nước Việt Nam”, “nhà chức trách Thailand đã toa rập với gián điệp Việt Nam, hoặc ít nhất là đã nhắm mắt làm ngơ để phía Việt Nam tự do thực hiện ý định của mình”! Phải khẳng định đây là ý kiến hết sức trơ tráo, thô bỉ, và khi nói như vậy, ông D. Bastard hoàn toàn không có lương tri của người làm báo. Bởi ngày 25-3-2019 ở Hà Nội, tại cuộc họp báo của Bộ Công an, đại diện cơ quan cảnh sát điều tra cho biết quá trình điều tra mở rộng vụ án Phan Văn Anh Vũ cho thấy người mà ông D. Bastard xưng xưng là bị “bắt cóc” đã lợi dụng giấy tờ của một cơ quan báo chí để mua bán đất nhà không qua đấu giá gây thất thoát lãng phí, và đang trong quá trình điều tra. Như vậy, vụ việc này hoàn toàn không liên quan gì tới hoạt động báo chí, chỉ có RSF là hùa theo kẻ xấu để vu cáo Việt Nam, Thái-lan mà thôi.

Và sự đời thật trớ trêu, đúng một ngày sau khi RSF công bố cái gọi “báo cáo tự do báo chí năm 2019”, ngày 19-4, Hội nghị Ban Chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn châu Á - Thái Bình Dương (OANA) lần thứ 44 do Thông tấn xã Việt Nam đăng cai tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội. Dự Hội nghị có khoảng 40 đại biểu quốc tế là lãnh đạo, đại diện các hãng thông tấn thành viên Ban Chấp hành và khách mời là thành viên OANA, trong đó nhiều hãng thông tấn có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Để cụ thể hóa chủ đề Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo, Hội nghị tập trung thảo luận ba nội dung quan trọng: chiến lược của các hãng thông tấn nhằm ứng phó với việc thay đổi thói quen sử dụng thông tin; tập trung vào những nội dung video và nền tảng Youtube; tin giả và kiểm chứng thông tin báo chí. Như ông T. Gilles, Tổng Biên tập hãng AAP (Australia) nhận xét thì Hội nghị đã giúp các hãng thông tấn thu được nhiều hiệu quả cho công tác báo chí của đơn vị mình. Nếu thật sự quan tâm đến hoạt động báo chí, lẽ ra RSF nên đề nghị một suất dự thính để nghe các đại biểu thảo luận, rồi rút kinh nghiệm, từ đó tự vấn: Tại sao một quốc gia luôn xếp áp chót trong cái gọi “bảng xếp hạng tự do báo chí” của RSF lại được OANA tin cậy để giao trách nhiệm tổ chức một hội nghị liên quan nhiều vấn đề hệ trọng của báo chí đương đại? Nói vậy, song không thể đòi hỏi RSF quan tâm báo chí một cách có trách nhiệm, bởi RSF sinh ra chỉ để sử dụng báo chí vu cáo, vu khống một số quốc gia mà thôi!