Những tình huống bi hài

Có một tình huống rất bi hài là đúng lúc mấy nhân vật cộm cán được gắn đủ thứ nhãn hiệu từ “nhà dân chủ, nhà hoạt động, nhân sĩ, trí thức” cho đến “nhà báo, bình luận gia”,… như Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thành, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm,… bị cơ quan cảnh sát điều tra tại một số địa phương quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam vì có hành vi phạm tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự (năm 2015) thì một số “nhà dân chủ” lại xông lên internet để tố cáo, hoặc đánh giá tiêu cực, miệt thị lẫn nhau. Và qua đó, “làng dân chủ” lại càng trở nên rất nhốn nháo!

Ông thì từ nước ngoài vọng về tố cáo một kẻ là “an ninh cài cắm”. Bà thì tố cáo và gọi đồng bọn là “kẻ táng tận lương tâm” vì đã biển thủ mấy chục nghìn đô-la bên ngoài gửi cho, đồng thời tuyên bố rút khỏi cái nhà xuất bản bất hợp pháp vốn chủ yếu là lén lút in ấn, phát hành loại sách vở tạp nham của bà ta. Bà khác tuyên bố “tạm dừng hoạt động vì lý do sức khỏe”. Đặc biệt, không biết có bàn bạc từ trước hay không mà cùng một lúc, “nhà dân chủ” này đánh giá “làng dân chủ Việt Nam chẳng khác nào nồi cám heo”, còn “nhà dân chủ” nọ lại tuyên bố “chính thức rút lui khỏi cái gọi là phong trào đấu tranh. Thấy xấu hổ khi có tên trong cái phong trào như nồi cám lợn này”! Nhân cơ hội, “nhà dân chủ” khác lên Facebook bình luận thẳng thừng: “cái mũ mang tên dân chủ có lúc quá rộng đối với người đội nó. Và chán hơn, là những dân chủ nửa mùa. Họ thể hiện cái tôi lẫn sự bất mãn cá nhân hơn là cái nhìn đại cục. Chỉ cần một chút chạm nhẹ hay trái quan điểm, họ sẽ đành đạch lên, đôi khi vô cùng hạ đẳng. Và trong chính họ với nhau, cũng không ít sự trở cờ. Mẹ Nấm là một thí dụ”! 

Về hiện tượng các “nhà dân chủ” tố cáo, công kích lẫn nhau, dư luận cũng có ý kiến khác nhau. Người cho rằng việc một số nhân vật “cộm cán” bị khởi tố, bắt tạm giam đã khiến họ hoảng hốt, tìm cách tháo chạy. Người bảo đó chỉ là trò ma mãnh để lừa chính quyền, náu mình chờ cơ hội. Người coi đây là kết quả của tình trạng tranh giành hoặc ăn chia không đều tiền bạc từ nước ngoài gửi cho. Ý kiến tập trung nhất thì cho rằng không phải ngẫu nhiên dư luận gọi đó là “làng dân chủ cuội”, vì họ là tập hợp tạp nham của những “chú cuội thời hiện đại” với đủ ngón nghề bịp bợp, lừa đảo, chụp giật, rồi ghen ghét, tỵ nạnh, kết bè kéo cánh, biển lận, ăn chặn tiền bạc… Gọi là “chú cuội thời hiện đại” vì họ biết sử dụng internet, sử dụng toàn điện thoại thông minh, máy ảnh đời mới, lại rất thành thạo photoshop nên sành sỏi ngón nghề viết lách dối trá, bóp méo sự thật, chỉnh sửa hình ảnh, giả mạo nhân thân, tung tin giả, bù lu bù loa xuyên đại dương,… hơn hẳn “chú cuội” xưa kia! Nên về bản chất, “chú cuội thời hiện đại” đâu có yêu gì dân chủ, họ không đấu tranh vì dân chủ, họ coi dân chủ chỉ là cái bình phong để giả nhân giả nghĩa hô hoán nhằm kiếm tiền. Rốt cuộc đối với họ, làm thế nào để cản trở sự phát triển đất nước, làm thế nào để đồng bào ngày càng đói khổ mới chính là mục đích, giúp cơ hội kiếm chác của họ càng nhiều hơn. Tóm lại, chỉ vì tiền mà họ chống phá Nhà nước, và chỉ vì tiền mà họ chống phá lẫn nhau!