HRW đang chống lại nhân quyền?

Xét từ cách thức tiếp cận và quan điểm của HRW (Theo dõi nhân quyền) đối với Việt Nam trong rất nhiều năm qua có thể khẳng định, tổ chức nhân danh nhân quyền này đã đi từ thái độ thiếu thiện chí đến thái độ thù địch. Bởi đến nay, bất chấp việc Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu to lớn về nhân quyền, được cộng đồng quốc tế ca ngợi và đánh giá cao, HRW vẫn là một trong năm, bảy cái “loa” to tiếng nhất, hung hăng nhất, liên tục bịa đặt, vu cáo Việt Nam “vi phạm nhân quyền”.

Như trong cái gọi là “phúc trình” công bố ngày 11-2-2021, HRW tự cấp cho họ cái quyền xưng xưng cho rằng Việt Nam “ban hành các điều luật và quy định mơ hồ nhằm hình sự hóa việc phát tán thông tin bị cho là sai lệch hoặc những bản tin khác về Covid-19 mà chính quyền cho rằng đe dọa đến công chúng” (theo bản tin trên VOA ngày 12-2-2021)!

Xưng xưng như vậy, HRW không nhận ra (cố tình không nhận ra?) họ đã làm một việc rất lố bịch và dường như khi mạnh miệng nhân danh nhân quyền, họ không biết (hoặc cố tình tảng lờ) vấn đề cốt tử nhất, quan trọng nhất của nhân quyền là mạng sống của con người. Bởi, mọi đầu óc tỉnh táo và có lương tri đều hiểu rằng trong lĩnh vực nhân quyền, việc bảo vệ mạng sống của con người luôn đặt ra trực tiếp. Đơn giản vì nếu mạng sống không được bảo vệ thì làm sao con người có thể tồn tại để hưởng các quyền khác. Đó là căn nguyên để trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được Đại hội đồng LHQ thông qua năm 1948 có Điều 3 khẳng định: “Mọi người đều có quyền sống, có tự do và an ninh cá nhân”; trong Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị của LHQ (có hiệu lực từ ngày 23-3-1976) có khoản 1 Điều 6 nêu rõ: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện”; và chú ý sẽ thấy phần mở đầu Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (năm 1776), “quyền được sống” được đề cập trước các quyền khác: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”…

Chính vì thế, khi đại dịch Covid-19 có nguy cơ lan rộng, có thể tác động tiêu cực tới tính mạng của mọi công dân trong xã hội, Việt Nam đã lập tức triển khai kế hoạch phòng, chống trên diện rộng với tư tưởng chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong bối cảnh đó, cũng như mọi quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam nghiêm khắc xử lý mọi cá nhân đưa thông tin sai lệch, bịa đặt, tuyên truyền nhảm nhí về đại dịch Covid-19, vì thông tin như vậy có thể tác động, gây hoang mang trong công chúng, ảnh hưởng đến kế hoạch phòng, chống được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và toàn dân Việt Nam tích cực triển khai để bảo vệ tính mạng con người. Nếu quan tâm đến nhân quyền, nếu có lương tri, HRW cần ủng hộ chứ không được coi đó là cơ hội để vu cáo Việt Nam. Nói vậy thôi, đến thời điểm này, yêu cầu HRW phải có lương tri có lẽ là bất khả. Vì không có ý nghĩa nào khác, khi HRW không quan tâm tới tính mạng của con người trước đại dịch, tức là HRW đang chống lại nhân quyền và không cần lương tri.